Thừa chiến lược, thiếu cơ chế

Sau hơn 5 năm thí điểm, mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) đang thể hiện được hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế đã xác định chiến lược đến năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện mô hình BSGĐ với mục tiêu người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, xuyên suốt, giúp giảm tải cho các bệnh viện (BV) tuyến trên. Tuy nhiên, việc thực tế triển khai chưa đạt như mong muốn và những điều bất cập đã được phản ánh tại Hội nghị quốc tế BSGĐ lần thứ 1 vừa diễn ra tại TPHCM.

Người dân chưa mặn mà

Theo báo cáo tổng kết sơ bộ của Sở Y tế TPHCM, qua 3 năm triển khai thí điểm đã có 224 phòng khám BSGĐ thành lập tại các BV, trạm y tế phường, phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các phòng khám BSGĐ còn hạn chế, với hơn 650.000 lượt bệnh nhân, cấp cứu hơn 900 trường hợp, thủ thuật gần 6.000 ca, chuyển tuyến gần 4.000 ca và đặc biệt là chỉ có hơn 80.000 bệnh nhân được lập hồ sơ quản lý sức khỏe một cách toàn diện. Như vậy, theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, con số trên nếu so với hơn 30 triệu lượt người bệnh đến khám chữa bệnh trên toàn tuyến của cả hệ thống y tế TP thì còn quá ít. Đặc biệt, phòng khám BSGĐ mới chỉ chú trọng khám chữa những bệnh lý thông thường, nội khoa mạn tính, trong khi các bệnh lý liên quan đến sơ cấp cứu, khám chữa bệnh cấp tính chưa được chú trọng…

Lý giải những hạn chế sau giai đoạn đầu triển khai mô hình BSGĐ, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng hiện kỹ năng của BSGĐ chưa đồng đều, chưa tạo được sự tin tưởng nên chưa thu hút được người bệnh. Mặt khác, đa phần BSGĐ tại các trạm y tế đều kiêm nhiệm, trong khi công việc tại trạm y tế rất nhiều nhưng nhân sự lại quá mỏng, bác sĩ vừa lo khám chữa bệnh lại phải tham gia cả nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và quản lý nên chưa thể tập trung vào công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, với mô hình BSGĐ tại trạm y tế, do hệ thống công nghệ thông tin chưa đồng bộ nên chưa đạt được mục tiêu quản lý hồ sơ của người bệnh.

Được thí điểm tại BV quận 10, BV quận Bình Tân, rồi nhân rộng ra hàng loạt BV quận, huyện và trạm y tế, phòng khám tư nhân khác, mô hình BSGĐ tại TPHCM đang hướng đến gần dân hơn. Tuy nhiên, với tâm lý, thói quen của người bệnh, cũng như sự hạn chế năng lực, nhân sự, lẫn cơ sở vật chất, các phòng khám BSGĐ chưa phát huy hết vai trò. Khắc phục những tồn tại bất cập, Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định, trước mắt để tăng cường chất lượng chuyên môn, trung tâm y tế quận, huyện sẽ tiếp tục cử bác sĩ tham gia các khóa đào tạo bác sĩ y học gia đình; hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án BSGĐ, xây dựng và áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong khám và điều trị, lưu trữ thông tin người bệnh trong chuyển viện, theo dõi sau điều trị ở tuyến trên... “Từ nay đến năm 2020, TP sẽ triển khai ít nhất 2.000 phòng khám BSGĐ trên toàn địa bàn”, GS Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định.

Thiếu cơ chế

Không chỉ chăm sóc sức khỏe người dân toàn diện, xuyên suốt, mô hình BSGĐ còn nhắm đến giúp giảm tải cho các BV tuyến trên. Đó cũng là mục tiêu chiến lược của Bộ Y tế khi nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ theo lộ trình đảm bảo đến hết năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương thực hiện. Theo các chuyên gia y tế, mô hình BSGĐ của Việt Nam đi sau thế giới cả nửa thế kỷ, nhưng dù muộn vẫn còn hơn không có. BSGĐ là người vừa có chức năng dự phòng, vừa có chức năng điều trị. Trong hệ thống y tế, họ là người gần nhất với dân, giúp dân phòng tránh bệnh tật; quản lý sức khỏe cộng đồng; giải quyết ban đầu tình trạng bệnh; điều phối các chuyên khoa trong điều trị ngoại chẩn; là cầu nối giữa người bệnh và BV khi cần điều trị nội trú… Theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM, người đặt nền móng cho mô hình BSGĐ tại TPHCM, phòng khám BSGĐ là tuyến khám chữa bệnh đầu tiên, theo dõi sức khỏe của người dân ban đầu để sàng lọc và chữa các bệnh thông thường, trong trường hợp bệnh nặng cần chuyên môn thì BSGĐ mới chuyển lên tuyến trên để xử lý. “Với cách làm này, các BV sẽ không bị quá tải khi hàng ngày phải gồng mình tiếp nhận hàng vạn người dân bệnh thông thường cũng tới chầu chực chờ khám”, bác sĩ Dũng nói.

Người dân khám bệnh ở phòng khám BSGĐ của một BV tại TPHCM.

Bộ Y tế đã có kế hoạch chiến lược đến năm 2017, 100% các trường đại học y có đào tạo bác sĩ đa khoa thành lập, kiện toàn bộ môn hoặc khoa Y học gia đình, có phòng khám BSGĐ. Đồng thời sẽ kiện toàn mô hình tổ chức, quy mô, nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ để phấn đấu đến 2020, 100% phòng khám BSGĐ ứng dụng phần mềm tin học quản lý hoạt động và sử dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử; có ít nhất 80% tỉnh, thành triển khai phòng khám BSGĐ… “Kế hoạch, chiến lược, lộ trình thì đã rõ nhưng giải pháp nào, cơ chế hành động nào, trách nhiệm nào thì vẫn còn để ngỏ”, một chuyên gia y tế nhìn nhận.

Rõ ràng, mô hình BSGĐ là một xu thế tất yếu. Ngành y tế sớm cần hoàn chỉnh mô hình, xác định phạm vi, quy mô, chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám BSGĐ và các điều kiện đảm bảo hoạt động như: giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế…

Theo các chuyên gia y tế, xét về bản chất theo hình mẫu của các quốc gia đi trước, BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, có trình độ tương đối toàn diện, đi sâu vào việc chăm sóc sức khỏe cho từng cá thể trong cộng đồng, giải quyết những vấn đề sức khỏe ban đầu. BSGĐ có kỹ năng tư vấn tâm lý để khám, chẩn đoán, tiên lượng, tư vấn và hướng dẫn cho người bệnh. Ngoài ra, BSGĐ góp phần vào công tác dự phòng bệnh tật qua tư vấn, hướng dẫn người bệnh về chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt và các biện pháp vệ sinh phòng dịch.

TƯỜNG LÂM

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161122/thua-chien-luoc-thieu-co-che.aspx