Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay 'đợi ăn Tết xong mới bắt tay vào việc'

"Thủ tướng nhắc nhở chúng ta không thể chấp nhận đầu năm là tháng ăn chơi, quý I năm 2017 phải tăng trưởng với tinh thần chủ động", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết như vậy tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ cuối giờ chiều ngày 29/10.

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ tập trung thảo luận, tìm các giải pháp mạnh nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 tháng cuối năm 2016, trong đó chú trọng tới hai chỉ tiêu đã được Quốc hội đề ra, đó là: Tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ tiêu xuất khẩu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp Chính phủ lần này tập trung đẩy mạnh thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2016 và những vấn đề cơ bản nhất để tạo tiền đề cho năm 2017 với tinh thần thực hiện ngay nhiệm vụ của năm 2017 từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2017.

“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải chấm dứt tình trạng bị động, chuẩn bị tốt cho năm sau cả về kế hoạch, nguồn lực, cơ chế, thể chế, không phải đợi đến ăn Tết xong mới bắt tay vào việc.

Thủ tướng nhắc nhở chúng ta không thể chấp nhận đầu năm là tháng ăn chơi, mà quý I của năm 2017 phải tăng trưởng luôn với tinh thần chủ động, tích cực nhất trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng đặt ra yêu cầu phải có những bước tiến mới trong quản lý, điều hành, chấm dứt tình trạng bị động. ảnh: vgp.

Người phát ngôn của Chính phủ cũng cho biết, tại phiên họp này, Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên Chính phủ trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong tháng 10 chúng ta chịu ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề của đợt bão lũ tại các tỉnh miền Trung.

Dù vậy, với sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc, quyết tâm của các cấp, các ngành, của người dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế -xã hội trong 10 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng công nghiệp là 7,2%, thấp hơn so với cùng kỳ 2016, nhưng đây cũng là chỉ tiêu đáng mừng.

Nông nghiệp đang có chiều hướng tích cực, nhất là thủy sản tăng 2% so với cùng kỳ, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng tăng khá tốt. Chỉ tiêu xuất khẩu trong 10 tháng tăng 7,2% (cùng kỳ của năm 2015 tăng 8,8%).

Đặc biệt trong 10 tháng qua, có 91.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 18,3%, với số vốn đăng ký là 710 nghìn tỷ, tăng 46,5% so với cùng kỳ của 2015.

Đáng mừng nữa là có 22.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian gặp khó khăn có thể liên quan đến điều kiện kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, vốn, khả năng cạnh tranh, thị trường dịch vụ.

Số doanh nghiệp này sẽ tạo ra sản phẩm, của cải vật chất ngay cho xã hội.

Thủ tướng đã ký quyết định vốn đầu tư phát triển trong tháng 10 được 22.400 tỷ, trong đó sử dụng vốn dư của Quốc lộ 1A, vốn dư của trái phiếu Chính phủ cho dự án Quốc lộ 14 cộng với một số vốn khác trong và ngoài nước.

Như vậy, có thêm 22.400 tỷ cho tăng trưởng. Giải ngân vốn ngân sách của 10 tháng đến nay được 62,6% còn giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đạt 46,3%. Tăng trưởng tín dụng 10 tháng được 11,81%. Có thể nói đây là những con số hết sức tốt.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang xếp thứ 5 trong Asean

Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới đánh giá rất cao trong việc tăng các bậc của chúng ta.

Tính thời điểm đến 1/7 để tính toán cho năm 2017, có thể nói Việt Nam sẽ tăng hạng tới 9 bậc so với 2016, trong đó một số chỉ tiêu rất tốt.

Đó là dịch vụ tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên thứ 96 trong bảng xếp hạng, chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng tới 31 bậc lên xếp hạng thứ 87 trên thế giới, chỉ tiêu nộp thuế tăng 11 bậc lên xếp hạng 167, tiêu chí giao thương quốc tế tăng 15 bậc lên xếp hạng thứ 93.

Với 190 nước thì chúng ta đang xếp hạng môi trường kinh doanh trong ASEAN ở bậc 5 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei.

Bên cạnh những mặt tích cực trên, trong 10 tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta còn khó khăn, thách thức. Đó là nỗ lực để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,3-6,5% của năm 2016 như đã báo cáo tại thời điểm phiên họp báo thường kỳ tháng trước.

“Việc đẩy mạnh tăng trưởng là yêu cầu rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều giải pháp, kể cả vấn đề cân đối kinh tế vĩ mô, tăng trưởng chi, tiến độ thu ngân sách, lạm phát ở mức 4% theo nghị quyết của Quốc hội”, ông Dũng cho biết.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực. ảnh minh họa: tạp chí công thương.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải làm việc với ý chí, quyết tâm cao nhất, tâm huyết, sáng tạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để tập trung thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu.

Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát lạm phát, các bộ không tăng giá bán điện từ nay đến cuối năm, điều hành giá xăng dầu phù hợp, xem xét kỹ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, triển khai tốt việc đấu thầu thuốc chữa bệnh.

Xem xét giảm giá vé BOT ở các tuyến đường thu phí. Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu khi triển khai chương trình bình ổn giá dịp Tết.

Nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô. GDP quý IV phấn đấu đạt mức cao nhất là từ 7,1-7,3%, nỗ lực đạt GDP cả năm là 6,3-6,5%. Tốc độ tăng trưởng GDP rất quan trọng, ảnh hưởng đến nợ công, bội chi.

Ngọc Quang

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/thu-tuong-yeu-cau-cham-dut-ngay-doi-an-tet-xong-moi-bat-tay-vao-viec-post171992.gd