Thủ tướng: 'Xâm thực' gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ

Thủ tướng: Một số thương hiệu và chất lượng gạo của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã vào bữa ăn của người Việt

Tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, sáng 15/3 tại Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL

Tham dự còn có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành và địa phương, các doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học đều bày tỏ vui mừng về sự quan tâm của Thủ tướng đến sự phát triển của ngành lúa gạo, đặc biệt trong bối cảnh đang có nhiều vấn đề đặt ra.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, định hướng phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã rõ, nhưng quan trọng là triển khai các chủ trương đó chưa được như mong muốn. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc phân tích, ngành hàng lúa gạo vẫn đang loay hoay, chưa có thương hiệu, giá trị xuất khẩu thấp, muốn sản xuất hàng hóa lớn thì ruộng đất lại manh mún. Trong khi đó, chi phí sản xuất cao, giảm tính cạnh tranh. Bằng chứng là cách đây ít hôm, khi đấu thầu xuất khẩu gạo vào thị trường Hàn Quốc, giá gạo cùng loại của Việt Nam lại cao hơn của Thái Lan.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm kiến nghị Chính phủ về chính sách hạn điền để sản xuất quy mô lớn.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, chính phủ cần tiếp tục xem xét áp dụng chính sách mở rộng hạ điền, nếu không làm tốt điều này, việc triển khai cánh đồng lớn sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó cần có định hướng quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo, làm tốt công tác dự báo và không thể không quan tâm đến thị trường thế giới. Trước đây việc Thái Lan bán kho gạo dự trữ, FED nâng lãi suất… không ảnh hưởng, nhưng giờ ảnh hưởng trực tiếp về giá.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An cho rằng, một số chính sách cho sản xuất lúa gạo đã có, nhưng trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc và cần sửa đổi. Ví dụ, Nghị định 210 năm 2013 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là chủ trương rất được mong đợi, nhưng lại khó triển khai ở đồng bằng Sông Cửu Long, do nhiều tỉnh thu còn không đủ chi. Ông Phạm Thái Bình cũng kiến nghị việc sửa đổi một số điểm của Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu lúa gạo…

“Xâm thực” gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng nêu rõ, 30 năm trước, vẫn đất đai và con người đó, dân ta thiếu đói nghiêm trọng. Thế nhưng nhờ đổi mới với Khoán 10 và Chỉ thị 100 của Ban Bí thư cùng với tự do lưu thông lương thực, đầu tư một số giống mới, đầu tư vào hệ thống thủy lợi, đến nay, Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới, có mặt tại 150 nước và vùng lãnh thổ. Từ đó, đời sống của người dân, trong đó có người dân đồng bằng sông Cửu Long được cải thiện. Kết quả đó là nhờ nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Thủ tướng đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự chỉ đạo điều hành các địa phương trong vùng, người nông dân một nắng hai sương, miệt mài, cần cù trên đồng ruộng; đồng thời Chính phủ cũng ghi nhận công sức của các nhà khoa học, của các doanh nghiệp đóng góp cho ngành lúa gạo.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, hiệu quả trồng lúa còn thấp, kể cả sản xuất 3 vụ một năm thì lãi gộp cao nhất cũng chưa đến 30 triệu đồng/ha. Ngay vựa lúa lớn nhất cả nước như đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân cũng vẫn chỉ lấy công làm lãi.

Trong khi đó, sản xuất lúa gạo gặp nhiều thách thức, như hiệu quả thấp, sử dụng nhiều lao động và vật tư, sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước, nhất là nông dân sản xuất quy mô nhỏ; doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận thấp, kém ổn định. Bên cạnh đó, giá thành gạo nước ta còn cao và khả năng cạnh tranh yếu do chưa chế biến sâu và chủ yếu bán vào thị trường dễ tính.

Thủ tướng lo ngại trước tình trạng "xâm thực gạo" của các nước vào Việt Nam

Thủ tướng nêu rõ: Mình đang nói xâm thực mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng xâm thực gạo của các nước vào Việt Nam mới đáng sợ. Điển hình là gạo của chúng ta đã thua gạo Campuchia. Campuchia đã có vị thế xuất khẩu gạo bằng một chiến lược thông minh giữa gạo thương hiệu và gạo chất lượng. Thương hiệu và chất lượng là vấn đề đặt ra của hội nghị này. Tôi xin nhắc lại, một số thương hiệu và chất lượng gạo của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã vào bữa ăn của người Việt Nam chúng ta.

Thủ tướng khẳng định, xét về kinh tế, lúa gạo vẫn là một trong những loại nông sản chiến lược mà Việt Nam có lợi thế hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh. Nếu chúng ta sản xuất lớn, áp dụng công nghệ vào sản xuất phù hợp, kết hợp chế biến sâu, tiếp thị tốt thì hiệu quả ngành lúa có điều kiện hơn gấp nhiều lần so với các ngành có lợi lớn khác. Đặt vấn đề như vậy, Thủ tướng nhấn mạnh cần tổ chức lại sản xuất ngành lúa gạo.

Thủ tướng nêu rõ, ngành lúa gạo Việt Nam đứng trước “giờ G” của công cuộc đổi mới. Điều này đòi hỏi một tư duy kiến tạo, toàn diện từ nền tảng thể chế chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất.

Theo Thủ tướng, tầm nhìn đối với ngành hàng lúa gạo Việt Nam thời gian tới đó là Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đạt kim ngạch hàng đầu thế giới mà phải phấn đấu trong 10 - 20 năm tới, hạt gạo do người nông dân Việt Nam sản xuất ra sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng một cách tinh tế các nhu cầu và tiêu chuẩn phổ quát về dinh dưỡng và dược liệu, góp phần củng cố danh tiếng của một trong những nền văn minh nông nghiệp lâu đời nhất của thế giới. Thủ tướng đề nghị phải đổi mới ngành sản xuất lúa gạo bằng những giải pháp đột phá về thể chế chính sách và cả mô hình phát triển.

Thủ tướng cũng cho rằng cần tổ chức sản xuất theo hướng hình thành những cánh đồng mẫu lớn, liên kết doanh nghiệp và nông dân, thuê đất lâu dài; tổ chức các mô hình hợp tác xã kiểu mới cùng với các doanh nghiệp; cơ giới hóa nông nghiệp đi liền với vấn đề đột phá là rút lao động ra khỏi nông nghiệp, nông thôn.

Nêu thực tế lúa gạo từ nông dân đến nhà máy chế biến trước khi xuất khẩu còn qua nhiều khâu trung gian khiến chi phí trung gian lớn, Thủ tướng cho rằng, các địa phương cần có biện pháp không để lúa gạo đi “lòng vòng” qua nhiều “cò lúa”, thương lái rồi mới đến nhà máy chế biến. Thay vào đó phải có biện pháp thông qua hợp tác xã để giải quyết khâu này.

Thủ tướng cũng lưu ý đến việc chú trọng khoa học công nghệ, trước hết là khâu giống để có bộ giống ổn định, chống được sâu bệnh, chất lượng cao. Cùng với đó, phải chú trọng hơn nữa thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, không để tình trạng “xâm thực” gạo nước ngoài nằm “đầy kệ” tại các cửa hàng, siêu thị.

Cho rằng chi phí lãi vay ngân hàng trong đầu tư, thu mua, chế biến lúa gạo còn cao, chưa có cơ cấu tín dụng hợp lý, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng cần có cơ chế để hỗ trợ cho ngành hàng này theo hướng tăng tín dụng và hạn mức cho vay.

Với việc chưa có thương hiệu gạo Việt Nam mạnh trên thế giới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng phải lựa chọn một số loại để xây dựng thành thương hiệu mạnh, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Nêu rõ với việc có 78 mảnh ruộng và 13 triệu hộ nông dân như hiện nay, việc sản xuất lớn là rất khó khăn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét sửa Điều 109 của Luật Đất đai, trước hết là có chính sách phù hợp để mở rộng hạn điền.

Thủ tướng đề nghị: “Trước mắt để mở rộng hạn điền, chúng ta phải bồi thường thỏa đáng cho dân khi thu hồi đất, trên tinh thần khuyến khích mạnh mẽ cánh đồng mẫu lớn. Việc thứ hai trong chính sách hạn điền, đó là mở rộng, khuyến khích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp. Trong đó có việc mở rộng quyền sử dụng đất và bảo hộ quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp tư nhân”.

Không nên trao cho VFA quá nhiều quyền

Trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị của các đại biểu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát một số quy định, bãi bỏ các thể chế không cần thiết, bổ sung các chính sách phù hợp để phát triển nông nghiệp và ngành lúa gạo.

Đề cập Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, liên quan đến Bộ Công thương, Thủ tướng chỉ đạo: “Không đưa ra nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo; không quy hoạch thương nhân trong xuất khẩu gạo; không nên trao cho Hiệp hội lương thực VFA nhiều quyền không nên có, như quy định giá sàn, như phân phối hạn ngạch cứng 80% để đảm bảo kinh tế thị trường”.

Thủ tướng cũng yêu cầu sửa Nghị định 35 về quản lý sử dụng đất trồng lúa, một vấn đề mà lãnh đạo An Giang kiến nghị; Quyết định 1898 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, bởi nhiều mục tiêu chưa phù hợp; sửa Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đầu tư cho khâu say xát, chế biến.. phải được vay trung và dài hạn…

Thủ tướng nhấn mạnh, những năm kháng chiến, những người nông dân đã làm một cuộc cách mạng giành lại độc lập cho dân tộc, thì giờ đây, người nông dân, những doanh nghiệp nông nghiệp cùng với Chính phủ sẽ làm một cuộc cách mạng về chất trong nông nghiệp để nâng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nâng hiệu quả sản xuất lúa gạo cả nước mà trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là UBND các tỉnh, các Bộ; các đơn vị kinh doanh cùng xắn tay áo, cùng Nhà nước lo cho sản xuất lúa gạo theo định hướng hữu cơ, chất lượng và thương hiệu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm dây chuyền chế biến của Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang

Nhân dịp công tác tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm mô hình chế biến, sản xuất tại Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang tại huyện Châu Phú. Đây là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu các loại rau quả đông lạnh và đóng hộp. Doanh nghiệp này có 49,4% vốn góp của Nhà nước, hiện có 3 nhà máy chế biến rau quả với tổng công suất thiết kế 20.000 tấn/năm. Năm 2017, công ty đặt mục tiêu doanh thu 336 tỷ đồng./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-xam-thuc-gao-cua-cac-nuoc-vao-viet-nam-moi-dang-so-603134.vov