Thủ tướng Trung Quốc lo ngại tăng trưởng nóng

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng Trung Quốc là quốc gia thiếu yếu tố cân bằng, phối hợp và ổn định trong phát triển kinh tế.

Khi mà các nhà đầu tư nước ngoài có tầm ảnh hưởng đều đang hướng về Trung Quốc, thì chỉ có Thủ tướng nước này mới dám đưa ra những đánh giá bi quan về nền kinh tế năng động nhất thế giới. Theo tác giả bài viết, Martin Wolf, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đúng khi lo ngại về đà tăng trưởng nóng của Trung Quốc. Phát biểu tại diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tuần trước, thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm qua và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trung Quốc cũng duy trì phát triển kinh tế tương đối nhanh trong bối cảnh có nhiều diễn biến khó khăn và cực kỳ phức tạp nhờ thực hiện gói kích thích kinh tế. Thành công của Trung Quốc là kết quả của 3 thập kỷ tăng trưởng thần kỳ. Thu nhập GDP tính bình quân đầu người ( theo ngang giá sức mua) tăng 10 lần kể từ sau kế hoạch cải cách và mở cửa được tiến hành dưới thời Đặng Tiểu bình vào năm 1978. Đây là con số ấn tượng, nhưng cũng không phải là chưa từng có. Tốc độ đuổi kịp nền kinh tế Mỹ của Trung Quốc không có nhiều khác biệt so với tốc độ của Nhật giữa những năm 1970 và Hàn Quốc đầu thập niên 60 đến năm 1997. Khác biệt chỉ là quy mô quốc gia và xuất phát điểm. GDP đầu người (theo ngang giá sức mua) của Trung Quốc vào năm 1978 chỉ bằng 4% so với của Mỹ, và hiện tại cũng chưa đến 1/5. Nếu Trung Quốc đạt được GDP bình quân đầu người như của Nhật Bản những năm 1978 trước khi tốc độ tăng trưởng chậm lại thì nước này sẽ được hưởng lợi thêm 25 năm tăng trưởng nhanh nữa để bắt kịp với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một số ý kiến cho rằng, tốc độ tăng trưởng của lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế nhanh, bong bóng tín dụng, giá bất động sản tăng vọt và nợ xấu sẽ là những yếu tố có thể ngăn cản cỗ máy kinh tế Trung Quốc. Martin Wolf cho biết ông đồng quan điểm với nhà phân tích chuyên về kinh tế Trung Quốc Jonathan Anderson của ngân hàng UBS, rằng những lo ngại về Trung Quốc đã bị phóng đại. Bởi tăng trưởng tín dụng đang ở mức độ ổn định. Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định rằng hệ số an toàn vốn 11,1% và tỷ lệ nợ xấu 2,8% của ngành ngân hàng Trung Quốc đều trong giới hạn an toàn. Vấn đề cơ bản là ở chỗ, ngành tài chính sẽ không thể có khủng hoảng ngoài tầm kiểm soát chừng nào chính phủ còn duy trì ổn định tăng trưởng và mức độ trả nợ đúng hạn. Tốc độ đô thị hóa nhanh và nền kinh tế tăng trưởng 8-10%/ năm sẽ giúp Trung Quốc tránh khỏi những cú sốc do hấp thụ quá mức. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng lưu ý, đặc điểm của nền kinh tế Trung Quốc là thiếu cân bằng và phụ thuộc nặng nề vào đầu tư, coi đầu tư là yếu tố điều chỉnh cung cầu và tăng trưởng. Từ năm 1997 đến 2009, đầu tư của Trung Quốc tăng từ 32% lên 46% GDP. Tiêu dùng hộ gia đình giai đoạn này giảm từ 45% xuống 36% GDP. Giáo sư Michael Pettis đến từ trường đại học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc là phiên bản nâng cấp của hình mẫu phát triển kiểu châu Á mà chúng ta từng thấy ở Nhật Bản và Hàn Quốc những thập kỷ trước. Đặc điểm của kiểu phát triển trọng tâm hướng vào sản xuất này là chuyển đổi từ hộ gia đình sang nền sản xuất lớn, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo thặng dư thương mại với các nước khác thông qua đầu tư với lãi suất thấp nhờ tiết kiệm, lương nhân công và tỷ giá hối đoái giảm. Tuy nhiên, sẽ đến lúc Trung Quốc gặp phải những thách thức như của Nhật Bản trong việc duy trì nhu cầu khi mà tỷ lệ đầu tư cần có bắt đầu chững lại. Một vấn đề nữa là tăng trưởng tiêu dùng nhanh. Giáo sư Pettis cho rằng để tiêu dùng tăng trưởng ổn định hơn GDP, cần tăng thu nhập sau thuế của người dân bằng cách chuyển thu nhập khỏi khu vực doanh nghiệp. Lợi nhuận doanh nghiệp như vậy chịu ảnh hưởng thông qua lãi suất, lương hay tỷ giá hối đoái cao hơn. Rủi ro đầu tư cũng tăng lên gây ảnh hưởng đến tiêu dùng. Việc cân bằng lại kinh tế theo hướng phát triển tiêu dùng của các hộ gia đình sẽ tác động tiêu cực đến sức cầu và khả năng duy trì tăng trưởng. Trung Quốc là nền kinh tế có tốc độ bám đuổi ấn tượng nhất trong lịch sử, nhưng một phần có lẽ là do thiếu cân bằng. Tuy nhiên, việc tái can bằng nền kinh tế càng bị trì hoãn lâu thì càng mất nhiều công sức điều chỉnh. Kinh tế Trung Quốc hai thập kỷ tới sẽ phải giảm đầu tư đi rất nhiều, và nền kinh tế đông dân nhất thế giới sẽ đến đích như thế nào vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news/thu-tuong-trung-quoc-lo-ngai-tang-truong-nong/ct-414079