Thủ tướng trả lời kiến nghị dự án thép Cà Ná

Sau khi các bộ ngành có báo cáo đánh giá công nghệ, không gây ô nhiễm môi trường, tác động của dự án, Thủ tướng sẽ có quyết định chính thức.

Đó là một trong những nội dung trong thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận, được Văn phòng chính phủ truyền đạt.

Theo đó, trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan đến dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná, Thủ tướng Chính phủ kết luận đây là dự án đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Thủ tướng “chưa có ý kiến về dự án này”.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cụ thể về tình hình, khả năng dư thừa thép của thế giới và thị trường Việt Nam.

Giao Bộ Công Thương cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá công nghệ, thiết bị của nhà máy đảm bảo chắc chắn không gây ô nhiễm môi trường.

Khu vực cảng Thương Diêm (xã Phước Diêm, Thuận Nam, Ninh Thuận) sẽ nằm trong dự án của Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh TTO

Giao Bộ TN-MT phối hợp với tỉnh đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng, thận trọng, quy định chế tài nghiêm khắc nhất để bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này trên cơ sở xem xét cụ thể các báo cáo trên.

Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn mỗi năm. Siêu dự án tiến hành theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ.

Tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản cam kết cung cấp nước cho dự án này. Giai đoạn I dự kiến công suất là 4,5 triệu tấn thép một năm, với mức tiêu thụ nước bình quân khoảng 7m3 nước trên một tấn thép, mỗi ngày cần khoảng 8.500 m3 nước.

Theo cam kết của tỉnh, năm 2017 có thể cung ứng 30.000 m3 nước một ngày đêm, đủ cho nhu cầu sản xuất của dự án.

Thế nhưng, tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Tuy nhiên, đáng lưu ý, trong danh mục các dự án ngành luyện kim sẽ chỉ tập trung vào các vùng Nghi Sơn - Thanh Hóa; Nghệ An, Nhơn Hội - Bình Định và Đà Nẵng.

Như vậy, tổ hợp dự án thép Cà Ná 16 triệu tấn/năm được triển khai ở Ninh Thuận không có tên trong Quy hoạch Danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu trong giai đoạn.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phải đánh giá lại cung cầu thép ở Việt Nam trên cơ sở đánh giá cung cầu thép thế giới, khu vực để điều chỉnh và đề xuất các giải pháp Quy hoạch tổng thể cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035;

Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường ở các nhà máy thép. Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Tốc độ tăng trưởng sản lượng thép của các năm 2014-2015 đạt 19,8%-21,8%. Năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước tiêu thụ nhiều thép nhất trong các nước Đông Nam Á. Hệ thống sản xuất và phân phối đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng cả nước (khoảng 6 triệu tấn thép xây dựng trong tổng cầu khoảng 20 triệu tấn thép).

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thu-tuong-tra-loi-kien-nghi-du-an-thep-ca-na-3320595/