Thủ tướng: 'Phải đối xử bình đẳng với người lao động'

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện tốt nhất cho công nhân. Các doanh nghiệp phải đối xử bình đẳng với người lao động.

Sáng 22/4, tại Cung Thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với hơn 2.000 công nhân vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đến từ Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Với sự chân thành, cởi mở, người đứng đầu Chính phủ cho biết ông rất vui vì hôm nay có dịp trở về quê hương xứ Quảng để gặp gỡ, đối thoại với người lao động. Một năm trước, sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ, ông đã vào Đồng Nai đối thoại với gần 3.000 công nhân ở miền Đông Nam Bộ.

"Hôm nay, nhân dịp sắp đến ngày Quốc tế lao động, tôi lại về đây để gặp gỡ, trao đổi với các anh chị. Điều đó chứng tỏ Chính phủ đang và sẽ rất quan tâm đến đời sống của giai cấp công nhân lao động", Thủ tướng nói.

Sau khi nhận được những chia sẻ chân thành từ người đứng đầu Chính phủ, anh Nguyễn Ngọc Quang, công nhân Khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, đặt câu hỏi: "Công nhân luôn muốn có việc làm ổn định, nhưng ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều công nhân độ tuổi 35-40 trở lên khó có cơ hội làm việc. Thủ tướng có chính sách gì để giúp công nhân đảm bảo việc làm khi còn độ tuổi lao động?".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận một thực tế là các doanh nghiệp có dây chuyền hiện đại đều muốn sử dụng lao động trẻ và “né tránh” những lao động từ độ tuổi trung niên trở đi.

"Lý do dễ hiểu là sử dụng lao động trẻ, ít thâm niên sẽ không phải trả lương cao, lại có thể tận dụng được sức lao động cường độ cao. Theo đó, lao động ngoài 30 tuổi với mức lương và mức đóng bảo hiểm xã hội tăng dần sẽ bị sa thải", Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng xuống hội trường trực tiếp hỏi thăm đời sống của công nhân. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo người đứng đầu Chính phủ, ở bất cứ xã hội nào, giai cấp công nhân, những người lao động đều phải được trân trọng. Do đó, Chính phủ sẽ cùng với các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường lao động, tạo khung pháp lý phù hợp, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa người sử dụng lao động và người lao động.

"Người lao động phải được quyền hưởng lương đúng với số lượng và chất lượng lao động họ đã bỏ ra, phải được bảo đảm về chỗ ở và những điều kiện môi trường lao động, an sinh khác theo luật pháp", Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ sẽ làm hết sức mình để công nhân Việt Nam có thể sống tốt bằng chính sức lao động của mình.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị phải tập trung xử lý lao động dôi dư trong các doanh nghiệp nhà nước theo hướng chuyển đổi ngành nghề cho họ.

"Chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp cung cấp các dịch vụ công sang đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thực hiện chế độ hợp đồng lao động để lao động khu vực này có điều kiện tham gia vào thị trường lao động trong nước và quốc tế", Thủ tướng chỉ đạo.

Cung Thể thao Tiên Sơn (chấm đỏ), nơi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, đối thoại với hơn 2.000 công nhân. Ảnh: Thiên Sơn.

Đoàn Nguyên - Giáp Hồ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-phai-doi-xu-binh-dang-voi-nguoi-lao-dong-post739744.html