Thủ tướng nhất trí đề xuất của Bộ Tài chính về việc bán vốn của SCIC

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 ngày 3/10, Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc bán vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.

Thủ tướng nhất trí đề xuất của Bộ Tài chính về việc bán vốn của SCIC.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, cơ chế bán vốn của SCIC tại các doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định 151 năm 2013 với nội dung bán cổ phần của SCIC tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.

Theo Quy chế này, với trường hợp bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận ngoài hệ thống giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán, sàn Upcom với giá bán thỏa thuận ngoài biên độ (vượt trần) thì SCIC có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị chấp thuận chuyển nhượng và thực hiện thủ tục chuyển nhượng qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Đồng thời, việc xác định giá bán cổ phần tối thiểu tại các doanh nghiệp đã niêm yết phải bằng hoặc cao hơn giá vốn cổ phần hạch toán trên sổ sách kế toán của SCIC (sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư vốn theo quy định) nhưng không thấp hơn giá sàn giao dịch trên thị trường tại ngày bán hoặc ngày ký hợp đồng bán cổ phần (không khống chế mức giá bán tối đa cổ phần).

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cơ chế bán vốn như trên của SCIC là phù hợp với quy định của pháp luật về chứng khoán, không vi phạm nguyên tắc bảo toàn vốn của doanh nghiệp nhà nước (kết quả kinh doanh không phát sinh lỗ hoặc có lãi); giúp SCIC đẩy nhanh quá trình bán vốn tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ.

Bởi vậy, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép SCIC được tiếp tục áp dụng cơ chế bán vốn theo quy định tại Nghị đinh số 151/2013 cùng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 151 mà Bộ Tài chính đã dự thảo trình Chính phủ.

Nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Bộ Tài chính cũng như SCIC cần lưu ý đến hoạt động tư vấn định giá những doanh nghiệp lớn. Theo đó, phải công khai đấu giá, chọn các nhà tư vấn định giá một cách có chọn lọc, công tâm, khách quan, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.

Không chỉ Bộ Tài chính, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ cần quán triệt tinh thần này, các cơ quan chức năng chú ý theo dõi, giám sát, nhất là với những doanh nghiệp có giá trị và lợi nhuận lớn.

Từ năm 2014 đến năm 2015, SCIC đã triển khai bán vốn thành công tại 12 doanh nghiệp niêm yết theo phương thức bán thỏa thuận ngoài hệ thống Sở Giao dịch Chứng khoán, sàn Upcom với giá bán nằm ngoài biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng.

Theo đó, giá trị vốn đầu tư SCIC hạch toán trên sổ sách kế toán là 211,499 tỷ đồng, giá trị bán vốn thu về là 757,904 tỷ đồng, chêch lệch bán vốn là hơn 565,215 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trị thu về so với giá trị tính theo mức giá trần của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng là 371,236 tỷ đồng.

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/su-kien-tai-chinh/thu-tuong-nhat-tri-de-xuat-cua-bo-tai-chinh-ve-viec-ban-von-cua-scic-93214.html