Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Có biện pháp đồng bộ, cả hệ thống sẽ đẩy lùi được tham nhũng

Sáng 17/11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc sau khi tất cả 36 đại biểu đăng ký chất vấn đều trình bày câu hỏi của mình Trong đó, có 29 đại biểu đã được Thủ tướng trả lời, 7 đại biểu sẽ trả lời bằng văn bản. Về nạn tham nhũng, Thủ tướng cho rằng, có các giải pháp đồng bộ thì nhất định cả hệ thống chính trị sẽ đẩy lùi được tham nhũng.

Thủ tướng đồng ý với đại biểu Phạm Phú Quốc là cần phải hình thành những trung tâm tài chính sánh ngang các trung tâm tài chính khu vực. Thủ tướng khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để TP.HCM và Hà Nội trở thành trung tâm tài chính khu vực trong tương lai.

Về việc nhập hai sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội, đặt tại Hà Nội, Thủ tướng cho rằng chuyện này không quan trọng, vì giao dịch ở đâu thì cũng trên bảng điện tử, không ảnh hưởng gì.

Về vấn đề Formosa mà đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt câu hỏi, Thủ tướng khẳng định: “Nếu lặp lại sự cố môi trường sẽ đóng cửa Formosa, không tha thứ”. Thủ tướng cũng chia sẻ với đồng bào miền Trung vừa phải trải qua thiên tai và cho biết cả nước sẽ chung tay để giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn.

Về câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về việc bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong nước khi tham gia hội nhập, Thủ tướng nói ông tiếp thu ý kiến này đồng thời vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và có biện pháp bảo vệ các công ty Việt Nam, đặc biệt là các công ty mới phát triển.

Thủ tướng nói tiếp: “Không thể để hàng hóa tràn vào Việt Nam mà không có hàng rào kỹ thuật nào để kiểm soát”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 17/11.

Về câu chuyện cán bộ tiếp dân,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công tác bố trí cán bộ tiếp dân rất quan trọng, là khâu đầu tiên để lắng nghe giải quyết nguyện vọng của người dân nên đã lưu ý bố trí cán bộ giỏi, có năng lực, cán bộ dân vận giỏi, am hiểu pháp luật để thực hiện nhiệm vụ.

“Vừa qua ở đâu đó Chủ tịch, Bí thư, thậm chí có Bộ trưởng chưa làm tốt việc này. Vậy thì cần nhắc nhở chung về công tác này, phải bố trí cán bộ giỏi chứ không phải cán bộ yếu làm công tác tiếp dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về chính sách với giáo dục, nhất là lương giáo viên, Thủ tướng nhất trí cho rằng cần chú trọng hơn với ngành giáo dục trong hệ thống thang bảng lương quốc gia nhưng chiến lược tăng lương thì cần phải thực hiện theo lộ trình chung.

"Hai ông thầy là thầy thuốc và thầy giáo nhất quyết phải được ưu tiên xem xét", Thủ tướng nói.

Về chủ trương "phạt cho tồn tại" đang làm tha hóa bộ máy mà đại biểu Dương Trung Quốc nêu, Thủ tướng đồng tình quan điểm này và cần xây dựng các trường hợp cụ thể xử lý, ví như có thể phạt 2 thẻ vàng, 1 thẻ đỏ hay rút thẻ đỏ phạt luôn.

Về văn hóa từ chức, Thủ tướng cũng xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu vì thực tế có nhiều trường hợp cán bộ do điều kiện riêng được từ chức để rút khỏi hệ thống công vụ. Quy định về việc từ chức là cần thiết.

Với vấn đề nhiều tòa nhà mọc lên ở trung tâm đô thị trái với quy hoạch, Thủ tướng đề nghị ngay UBND các thành phố Hà Nội, TPHCM cho kiểm tra ngay những thông tin này, nhất quyết không cho xây dựng nhà cao tầng ở giữa trung tâm để tránh ùn tắc, quá tải đô thị.

Về vấn đề biến đổi khí hâụm Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã tham gia COP 21 và có chương trình hành động đến từng địa phương và bố trí nguồn lực xử lý vấn đề này, từ nguồn ODA và ủng hộ của các tổ chức quốc tế, dù bối cảnh ngân sách rất khó khăn. Chính phủ tiếp tục lắng nghe để có những điều hành xử lý vấn đề này một cách hiệu quả.

Về cơ cấu ngành nông nghiệp, Thủ tướng nhắc lại, đây là vấn đề cấp bách hiện nay. Cần tập trung giải quyết hạn chế về hạn điền, cần đưa nguồn vốn về nông thôn để giải quyết hiệu quả sản xuất, đời sống của người dân.

Với lỗ hổng về quản lý DNNN, dẫn tới phát sinh tham nhũng, Thủ tướng giải thích, Việt Nam đã trải qua các thời kỳ, từ khi thành lập các tổng công ty 90, 91, đến nay đã chủ trương xây dựng một đầu mối chuyên quản lý vốn đầu tư nhà nước tại các tập đoàn, DNNN. Chủ trương là đẩy mạnh cổ phần hóa nhưng không cổ phần hóa bằng mọi cách. Những tập đoàn rất lớn, chi phối, những ngân hàng thương mại giữ vai trò ổn định thị trường nhà nước vẫn sẽ giữ cổ phần chi phối để nắm giữ, điều tiết.

Biện pháp chống tham nhũng được Thủ tướng nhấn mạnh ở nguyên tắc thể chế phòng chống không có kẽ hở (làm sao để cán bộ không thể, không dám, không muốn tham nhũng), loại bỏ cơ chế xin – cho, xử lý nghiêm minh, tăng cường kiểm soát quyền lực với bất cứ cấp cán bộ nào…

Với những biện pháp đồng bộ như vậy, Thủ tướng khẳng định sự tin tưởng cả hệ thống sẽ đẩy lùi được tham nhũng. Ngoài ra, cơ chế giám sát của nhân dân cũng được chú trọng để tạo ra tinh thần đấu tranh quyết liệt, quyết tâm trong cả hệ thống với quốc nạn này.

Vấn đề biên chế giáo dục chưa thành công, Thủ tướng xác nhận thực tế này. Đề cập phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, Thủ tướng trao đổi thêm những biểu hiện dư thừa trong hệ thống được xác nhận để xử lý biên chế rất lớn của ngành hiện nay.

Đối với nội dung kinh tế biển, Thủ tướng cho biết, đề án phát triển kinh tế biển đã được xây dựng với chủ trương đẩy mạnh đánh bắt xa bờ kết hợp với bảo vệ lãnh thổ, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Về chương trình hành động của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng xin ý kiến luôn từ phía Quốc hội vì Chính phủ đã có chương trình hành động.

Về giải pháp đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, thuế, năng lượng, thủ tục đầu tư,...

Về giải pháp triển khai chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Thủ tướng yêu cầu cần xử lý nghiêm các vi phạm, tích cực trồng, chăm sóc bảo vệ rừng, hạn chế di dân tự do, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương với bảo vệ rừng...

Về chăm lo đối với đồng bào dân tộc, Thủ tướng cho biết, cả nước có 13 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào cao,... do vậy cần có chính sách cần thiết để nâng cao mức sống, nâng cao dân trí cho đồng bào. Dù điều kiện còn khó khăn, nhưng Chính phủ vẫn dành nguồn ngân sách thỏa đáng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn phát triển kinh tế, xã hội với giữ gìn văn hóa; trong đó ưu tiên cho các xã biên giới, các dân tộc rất ít người, phát huy vai trò của người có uy tín...

Về quy trình cán bộ, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, rà soát, nghiên cứu đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập, theo hướng đẩy mạnh công khai, minh bạch, tăng cường tính cạnh tranh trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ...

Về nâng cao hiệu quả dịch vụ hành chính công, Thủ tướng cho biết, hiện chúng ta đang áp dụng một số mô hình: Một cửa, người dân đánh giá sự hài lòng của cán bộ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường công khai, giám sát, mở rộng mô hình trung tâm dịch vụ hành chính công...

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-co-bien-phap-dong-bo-ca-he-thong-se-day-lui-duoc-tham-nhung-d54779.html