Thủ tướng: Ngành Ngoại giao phải chủ động tham gia hoạch định luật chơi kinh tế toàn cầu

Sáng 23/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tới dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị Ngoại giao 29.

Thủ tướng cho rằng, các nhà ngoại giao Việt Nam phải mang trong mình vai trò kiến tạo phát triển đất nước

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, trở thành một trong những quốc gia hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ; đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, độ mở của nền kinh tế rất cao.

Những thành tựu đó có đóng góp quan trọng, to lớn của ngành Ngoại giao. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng ngành Ngoại giao nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ hai và coi đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân về sự cố gắng nỗ lực cống hiến của ngành.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những thách thức cả ở cấp độ quốc gia và thế giới. Theo đó, những thành tựu về kinh tế-xã hội của Việt Nam còn khiêm tốn so với khu vực. Với quy mô dân số đứng thứ 13 thế giới, nhưng quy mô nền kinh tế của Việt Nam chỉ đứng thứ 38, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 133 thế giới, chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình của thế giới; năng suất lao động cũng rất thấp, chỉ bằng một nửa ASEAN.

Thủ tướng cho rằng nguy cơ tụt hậu kinh tế xa hơn là rất hiện hữu. Việt Nam dễ bị rơi vào tình trạng thiếu chủ động và sẽ chịu những tác động từ bên ngoài khi phải đáp ứng những luật chơi quốc tế.

“Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mới của thế giới, khi mà các nguy cơ luôn thường trực và khó dự đoán. Điều này đòi hỏi chúng ta phải làm chắc tay hơn nữa, công tác dự báo chiến lược luôn có sự nhạy bén, tinh thần thường trực đối phó với những cú sốc bên ngoài. Ai làm việc đó? Làm ăng ten và báo cho Đảng, Nhà nước, cho nhân dân chính là ngành ngoại giao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề cập đến nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh và bền vững của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, thúc đẩy hội nhập quốc tế thì trọng tâm vẫn là hội nhập kinh tế. “Hội nhập kinh tế vẫn là trọng tâm của ngành ngoại giao. Các lĩnh vực đối ngoại khác sẽ phục vụ cho ngoại giao kinh tế. Chúng ta đều biết, ngoại giao kinh tế theo nghĩa rộng là bao gồm cả khoa học, giáo dục, lao động, dịch vụ là các lĩnh vực rất quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước”, Thủ tướng nêu rõ.

Với lợi thế có quan hệ với gần 200 nước, 90 cơ quan đại diện, Ngoại giao Việt Nam phải nhạy cảm để dự báo dự báo tình hình thế giới, đặc biệt kinh tế, làm tốt vai trò tham mưu đột phá về kinh tế.

“Các nhà ngoại giao phải năng động, tích cực, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, phải tham gia chủ động vào các đối thoại chiến lược chính sách, hoạch định luật chơi, sân chơi kinh tế toàn cầu. Không để doanh nghiệp Việt Nam bỡ ngỡ về thông tin, lạc lối về thể chế và luật lệ ở thị trường quốc tế. Không chấp nhận những việc doanh nghiệp, nhà cung ứng của chúng ta bị chèn ép, bất công, bị thua thiệt trước các tập đoàn đa quốc gia”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng đề nghị đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên nắm bắt thông tin, tham mưu kịp thời cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thậm chí là trực tiếp Thủ tướng. Tinh thần là việc gì có lợi cho đất nước, Thủ tướng sẽ chỉ đạo thực hiện ngay, khắc phục tình trạng nói không ai nghe hoặc nghe nhưng không giải quyết đến nơi đến chốn.

Thủ tướng đề nghị, cần định hình được những ưu tiên chiến lược của đất nước và xác lập một tư duy chiến lược cho ngành ngoại giao trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế của các định chế quốc tế nhằm tạo ra thế và lực cho đất nước, tiêu biểu là các định chế quan trọng như Liên Hợp Quốc, WB, IMF, ASEM, APEC… Đặc biệt, Việt Nam cần đóng vai trò chủ chốt trong xây dựng thể chế ASEAN nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, thực sự đồng thuận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: baoquocte.vn

Thủ tướng mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những nhà ngoại giao và cán bộ thương mại phải đại diện một cách chân thực nhất, tối ưu nhất cho hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại.

Các đại sứ, trưởng đại diện thương mại, các nhà ngoại giao Việt Nam của thế kỷ 21 phải gánh vác trọng trách lớn lao trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, số hóa, mang trong mình vai trò kiến tạo phát triển đất nước trong một thế giới cạnh tranh phức tạp. Thủ tướng cho rằng, đó là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng với truyền thống vẻ vang được hun đúc qua nhiều thế hệ và đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm, trưởng thành trong công tác đối ngoại, Chính phủ tin tưởng rằng các cán bộ ngoại giao sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

Sáng 23/8, phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị Ngoại giao 29 diễn ra với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển”. Chiều nay đã diễn ra phiên thảo luận thứ 3 với chủ đề: “Xu hướng phát triển của cục diện thế giới, khu vực trong 5 năm tới”.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thu-tuong-nganh-ngoai-giao-phai-chu-dong-tham-gia-hoach-dinh-luat-choi-kinh-te-toan-cau/