Thủ tướng: 'Lãnh đạo địa phương phải đặt mình vào vị trí như người nghèo để có giải pháp thiết thực'

Thủ tướng nhận định, kết quả triển khai công tác giảm nghèo 5 năm qua dù đạt kết quả tốt nhưng chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao. Những vùng đã thoát nghèo nhưng không sớm tổ chức lại phương thức sản xuất, chỉ sau 1 đợt thiên tai, thì nhiều hộ dân có thể bị rơi vào vòng xoáy nghèo khó.

Thông tin tại Hội nghị “Triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020" cho thấy, qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội đã huy động được sự quan tâm, tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, tạo nên sức mạnh to lớn trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Với những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2%/năm xuống còn 4,25%/năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra.

Hiện thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đực biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần), đạt mục tiêu đề ra.

Đánh giá chung, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước đạt chỉ tiêu theo kế hoạch Quốc hội đề ra. Tỷ lệ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm trên 6%. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số...

Dù vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo thời gian qua vân còn những khó khăn, thách thức. Đó là kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa thực sự được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Ngoài ra, nguồn lực thực hiện chính sách và Chương trình giảm nghèo hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp, cơ chế phân cấp, trao quyền còn nhiều hạn chế, bất cập, trách nhiệm giải trình chưa rõ ràng...Các chính sách giảm nghèo hiện hành khá toàn diện và tương đối đầy đủ, tác động đa chiều đến sản xuất và đời sống của người nghèo nhưng còn chồng chéo, phân tán, thiếu tính hệ thống. Nhiều chính sách chưa khuyến khích người nghèo tích cực vươn lên thoát nghèo.

Việc rà soát, bổ sung, sửa đổi chính sách theo định hướng giảm dần chính sách cho không, tăng các chính sách hỗ trợ cho vay có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo vẫn còn chậm, chưa thực sự tạo được sự liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ giữa hộ nghèo, vùng nghèo với nhà khoa học và doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, đại diện tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh có tỷ lệ đói nghèo ở diện rất cao của cả nước nên xác định xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh ban hành cơ chế riêng, ví dụ như hỗ trợ lãi suất toàn bộ cho huyện nghèo trong sản xuất, có gần 50 cơ chế chính sách, khoảng 100 tỷ cho xóa đói giảm nghèo.

Cuối năm 2015, số hộ nghèo của toàn tỉnh còn khoảng 18.000 hộ (tương đương 12,1%). Đây là nỗ lực của toàn tỉnh.

Thời gian tới, Lào Cai tiếp tục giảm nghèo theo hướng ban hành 39 chính sách, cho vay, hạn chế cho không vì e sẽ tạo cho hộ nghèo sự ỷ lại.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ quan tâm cấp vốn nhanh, hiệu quả, sớm nhất đến các tỉnh, đồng thời đề nghị Trung ương giao trọn gói cho tỉnh 1 lần để có định hướng đầu tư, trồng cây gì, nuôi con gì nhanh nhất, làm một lèo, tránh tình trạng lập kế hoạch rồi mà còn chờ nguồn vốn”, đại diện tỉnh Lào Cai nêu ý kiến.

Giai đoạn 2016 – 2020, mục tiêu cụ thể của chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.

Giai đoạn này cũng sẽ đặt mục tiêu cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần sao với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn...tăng gấp 2 lần). Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắn tin ủng hộ vì người nghèo nhằm hưởng ứng "Ngày Quốc tế chống đói nghèo" và cũng là "Ngày vì người nghèo ở Việt Nam" 17/10.

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo... cần được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những kết quả quan trọng trong hoạt động xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả đạt được khiến cả thế giới phải ghi nhận, đồng thời cho thấy Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Ngay những vùng đã thoát nghèo nhưng không sớm tổ chức lại phương thức sản xuất, chỉ sau 1 đợt thiên tai, địch họa, gần như toàn bộ dân số lại tái nghèo. Cả nước vẫn còn 44 huyện có tỉ lệ người nghèo trên 50%, trong đó có đến 10 huyện có tỷ lệ nghèo trên 70%. “Lõi nghèo” nằm ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, rất khó tháo gỡ.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hỗ trợ người nghèo phải là “cho cái cần câu chứ không cho con cá” và yêu cầu, mỗi người dân, mỗi tổ chức, địa phương đều phải nỗ lực vươn lên, quyết tâm thoát nghèo và làm giàu.

Chính vì thế, "việc xây dựng phong trào thi đua cả nước vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" là chương trình quan trọng. Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ ngành có kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình với cái gốc cần xác định là nâng cao dân trí, năng lực của con người để thoát nghèo bền vững.

“Các đồng chí lãnh đạo địa phương phải đặt mình vào vị trí như người nghèo để có giải pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với lợi thế sẵn có để đưa địa phương mình thoát nghèo, nhất là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn cao”, Thủ tướng nhấn mạnh./.

Hà Giang

Ảnh: Minh Khánh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/thu-tuong-lanh-dao-dia-phuong-phai-dat-minh-vao-vi-tri-nhu-nguoi-ngheo-de-co-giai-phap-thiet-thuc-214891.html