Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế quốc gia

Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vui mừng thấy Quảng Ninh là một tỉnh năng động, sáng tạo và đã đột phá trong một số lĩnh vực.

Quảng Ninh triển khai Đề án 25, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đổi mới công tác tổ chức cán bộ, nhất thể hóa các chức danh, tinh giảm bộ máy hành chính, giảm gánh nặng ngân sách chi thường xuyên cho bộ máy quản lý Nhà nước ở địa phương. Đổi mới nền hành chính, theo hướng xây dựng các trung tâm hành chính công, chính quyền điện tử, tạo sự thông thoáng, công khai minh bạch, thuận lợi trong mối quan hệ giữa dân với chính quyền.

Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu toàn quốc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức (PPP). Quảng Ninh còn là điển hình trong việc chủ động huy động nguồn lực xây dựng đường cao tốc, đường hàng không, sân bay, kết nối mạng lưới giao thông nội ngoại tỉnh; đề xuất xây dựng mô hình Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, “một phòng thí nhiệm khổng lồ” về đổi mới thể chế hành chính - kinh tế trong xu hướng hội nhập sâu rộng quốc tế.

Quảng Ninh phải trở thành trung tâm kinh tế động lực của Bắc bộ và cả nước, trung tâm giao lưu quốc tế, điểm đến cho nhà đầu tư, du khách. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Bức tranh kinh tế, diện mạo đô thị Quảng Ninh đang tỏa sáng, năm 2016, trên 1.600 doanh nghiệp thành lập mới, tăng trên 25% so với năm trước, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 38.385 tỷ đồng, thu nội địa đạt 25.138 tỷ.

Thăm và làm việc tại Quảng Ninh ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ kỳ vọng Quảng Ninh sẽ là một trong các địa phương đầu tàu kinh tế khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Phóng viên Báo Xây dựng đã thực hiện bài phỏng vấn ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trong Xuân mới, niềm vui mới này.

Thưa ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh! Trong những ngày cả nước chào đón Xuân mới, tỉnh Quảng Ninh có vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và kỳ vọng Quảng Ninh sẽ là một trong các địa phương đầu tầu kinh tế khu vực Đồng bằng sông Hồng. Xin ông cho biết, trên cơ sở nào mà Thủ tướng đặt lòng tin lớn như vậy vào một tỉnh ở vùng Đông Bắc Tổ quốc?

Quảng Ninh là một vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, với 4 lợi thế nổi trội về: Biên mậu, cảng biển, du lịch và công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ví “Quảng Ninh là một đất nước Việt Nam thu nhỏ”. Như vậy, Quảng Ninh hội tụ đặc trưng của cả 3 miền, có rừng, biển, đồng bằng... Một tỉnh có bề dày văn hóa dựng nước và giữ nước với trên 600 di tích lịch sử-văn hóa, 4 di tích đặc biệt quốc gia. Quảng Ninh, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, phong trào công nhân mỏ là tiền thân của sự ra đời giai cấp công nhân Việt Nam. Quảng Ninh có trên 250km bờ biển với Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, có Vịnh Bái Tử Long trên 600 hòn đảo có đất phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Quảng Ninh có biên giới trên bộ, trên biển với Quảng Tây (Trung Quốc) để phát triển kinh tế biên mậu. Với lợi thế khác biệt đó, cộng với vị trí chiến lược, đã hội tụ tiềm năng phát triển cho Quảng Ninh trên các lĩnh vực.

Ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Những năm gần đây, Quảng Ninh đã năng động đi theo hướng chiến lược phát triển lâu dài, mở cửa đón các nhà đầu tư chiến lược và mời các nhà tư vấn hàng đầu thế giới như: McKinsey, BCG (Mỹ) hay Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản) để hoạch định lại mục tiêu chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong tổng số 7 quy hoạch chiến lược, mục tiêu trọng tâm là chuyển nhanh nhưng bền vững về cơ cấu kinh tế sang dịch vụ đi đầu.

Quảng Ninh đã triển khai tốt 3 khâu đột phá chiến lược theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trên cơ sở đầu tư trí tuệ, định vị lại Quảng Ninh trong tương quan quốc tế, khu vực và Quốc gia, làm nền tảng quan trọng để có những bứt phá trong hành trình phát triển; 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế phát triển bền vững. Nổi bật về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tỉnh đã chủ động tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút mọi nguồn lực, trong đó tập trung nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch như: Đường ra cửa khẩu, khu kinh tế, khu công nghiệp. Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách, ứng vốn cho Trung ương để cải tạo, nâng cấp quốc lộ, xây dựng đường cao tốc và thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư (PPP) như: Cảng hàng không Quảng Ninh, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, QL18A đoạn Hạ Long - Mông Dương, Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu... Hoàn thành nâng cấp QL18A đoạn Uông Bí - Hạ Long, QL18B, 18C đoạn lên biên giới, đường vào các khu kinh tế, khu công nghiệp. Riêng đầu tư đường Cao tốc Hạ Long, cầu Bạch Đằng nối với đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, vốn đầu tư gần 7.300 tỷ đồng; đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn vốn đầu tư 13.000 tỷ đồng. Quảng Ninh đang dần từng bước hoàn thành đồng bộ hệ thống kết nối giao thông nội và ngoài tỉnh. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn, khe, bản trên đất liền và các hải đảo như: Hoàn thiện lưới điện nông thôn, hoàn thành dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô (Cô Tô), xã đảo Cái Chiên (Hải Hà) và 5 xã đảo (Vân Đồn). Trong 5 năm gần đây (2012-2016), tỉnh Quảng Ninh đã huy động 190 ngàn tỷ đồng vào xây dựng kết cấu hạ tầng, chủ yếu đầu tư theo hình thức (PPP), cứ 1 đồng ngân sách có 8,3 đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư cho kết cấu cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội.

Với đòn bẩy là kết cấu hạ tầng, các ngành kinh tế của tỉnh đã có điều kiện phát triển nhanh, bền vững. Năm 2016, tỉnh có 1.600 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 25% so với năm 2015, cao nhất từ trước tới nay. Tổng thu trên địa bàn đạt 38.385 tỷ đồng, thu nội địa 25.138 tỷ đồng, vốn đầu tư xã hội tăng 10,2% so với cùng kỳ, GDP bình quân đầu người 4.050 USD, hộ nghèo giảm xuống còn 3,39%. Huy động nguồn lực lớn, qua đó góp phần thay đổi diện mạo bức tranh kinh tế, văn minh đô thị và văn hóa tiêu dùng, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao (64%) với 4 thành phố, 2 thị xã và là trung tâm sản xuất nhiệt điện lớn của cả nước.

Các khâu đột phá khác là xây dựng thể chế và cải cách hành chính, sáng kiến (Đề án 25) nhất thể các chức danh lãnh đạo, tinh giản bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể, nhất là sắp xếp hợp lý, phát huy hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nền hành chính theo hướng dịch vụ công (tổ chức các Trung tâm hành chính công); ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý Nhà nước (nối mạng từ cơ quan Nhà nước tới người dân). Tỉnh đã giảm gần 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, so với quy định của Nhà nước, thời gian thành lập doanh nghiệp chỉ còn tối đa từ 1-2 ngày. Mô hình Trung tâm Hành chính công của tỉnh cũng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm triển khai; tỉnh cũng đã triển khai 14 Trung tâm hành chính công cấp huyện, kết nối một cửa điện tử cấp xã. Năm 2017 này, sẽ thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ 100% thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện và liên thông tới 186 xã, phường, thị trấn. Điển hình là tỉnh đã tích cực đề xuất vào việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thông qua các đề án lớn như: Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn - Móng Cái”. Bộ Chính trị đã có thông báo kết luận, cho Quảng Ninh là 1 trong 3 địa phương được nghiên cứu thành lập địa khu hành chính - kinh tế đặc biệt gồm: Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).

Năm Đinh Dậu, Quảng Ninh tiếp tục dồn lực để tạo những đột phá mới. Theo đó, về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tỉnh tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực, phương thức đầu tư (PPP) cho kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, du lịch, thương mại... Tỉnh chủ động triển khai các dự án hạ tầng khu kinh tế Vân Đồn, các khu kinh tế, khu công nghiệp. Mục tiêu đầu năm 2018 sẽ đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18A đoạn Hạ Long - Mông Dương; Cảng hàng không Quảng Ninh, tuyến đường trục chính nối từ Cảng hàng không đến Khu du lịch dịch vụ phức hợp cao cấp có Casino tại Vân Đồn, với dịch vụ du lịch cao cấp khách sạn 2.500 phòng nghỉ; giai đoạn tiếp theo là: Công viên Đại Dương, Sân golf Ngôi sao Hạ Long, Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, Trung tâm Thể thao vùng Đông Bắc, Cảng tàu khách quốc tế Bãi Cháy... Đồng thời tập trung nguồn lực ngân sách và chỉ đạo đối với vùng sâu, vùng xa để nâng cao đời sống nhân dân và diện mạo nông thôn mới.

Bức tranh kinh tế tỉnh Quảng Ninh đang tỏa sáng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm lòng tin vào Quảng Ninh là đầu kéo trong đoàn tàu kinh tế Vùng Đồng bằng sông Hồng. Xuân mới, vận hội mới, còn những gì trở ngại, thưa ông?

Để tỉnh Quảng Ninh được chủ động, sáng tạo phát triển kinh tế, Trung ương cần tiếp tục phân cấp, giao quyền nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực quản lý, điều hành nhà nước ở địa phương. Tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhất trí về chủ trương cho phép xây dựng Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, đáp ứng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh và là hình mẫu thí điểm cho một mô hình kinh tế mới, trong đổi mới của đất nước. Nay rất cần chủ trương của Đảng, Nhà nước được cụ thể hóa bằng cơ chế chính sách cụ thể, có văn bản pháp lý để sớm tổ chức thực hiện. Đây là một yêu cầu cấp bách, một điều kiện tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế vào Quảng Ninh, khai thác tiềm năng Khu kinh tế Vân Đồn vì lợi ích chung. Để Khu kinh tế - hành chính đặc biệt Vân Đồn hình thành và phát triển, phải giải quyết tốt 3 điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực.

Về nguồn nhân lực, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động kêu gọi được nhiều nhà đầu tư “khổng lồ” đầu tư vào Vân Đồn như: Tập đoàn Sungroup, đầu tư Cảng hàng không Vân Đồn. Về hạ tầng, Trung tâm phức hợp, cây cầu Cẩm Hải nối đảo với đất liền bằng đường Cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, khu phức hợp Casino,dịch vụ du lịch đẳng cấp Quốc tế, khách sạn 5 sao 2.500 phòng,... nhiều hạng mục sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017, đầu năm 2018. Chỉ còn chờ đợi Quốc hội ban hành luật cho Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Chính phủ sớm có Nghị định, trong đó cho phép Casino Vân Đồn thí điểm cho người Việt Nam hoạt động, đón khách trong nước và quốc tế thì Khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn mới trở thành tâm điểm kinh tế của Quảng Ninh nói riêng và miền Bắc nói chung. Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn cùng với Khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) cất cánh, sẽ là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam”, phát triển trong cơ chế mới.

Với sự hội tụ tiềm năng của đất, hội tụ trí tuệ, năng động, sáng tạo của con người kỷ luật và đồng tâm, một môi trường đầu tư lan tỏa lợi ích như vậy, nên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh đầu Xuân 2017 đã đặt niềm tin, kỳ vọng vào Quảng Ninh, trở thành một trong những địa phương đầu tàu trong nền kinh tế của cả nước.

Trân trọng cám ơn ông!

Phóng viên Báo Xây dựng xin chia sẻ: Không một nhà tư bản nào lại đầu tư tài chính vào một vùng đất mà ở đó không có cơ sở pháp lý bảo hộ. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quản lý, hoạt động của Casino đón khách trong nước và Quốc tế. Đảng, Nhà nước sớm ban hành luật điều chỉnh một cách rõ ràng cho Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh); Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa). Mong Quảng Ninh Xuân mới hanh thông trên chặng đường xây dựng mới!

Vũ Phong Cầm (thực hiện)

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/thu-tuong-ky-vong-quang-ninh-la-dau-tau-kinh-te-quoc-gia.html