Thủ tướng: 'Không tạo cơ hội cho cán bộ, công chức tham nhũng'

Tập trung hoàn thiện thể chế, kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin cho...

Sáng 17/11, trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo, giải trình một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

Nguyên Vũ

“Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Xóa bỏ tư duy cuối nhiệm kỳ, không có vùng cấm trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sáng 17/11, trước khi trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường Quốc hội.

Tại đây, Thủ tướng đã báo cáo, giải trình một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm, chất vấn.

Hoàn thiện thể chế, kiểm soát quyền lực

Phòng chống tham nhũng, lãng phí là một nội dung được Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông nói, Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác này nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Như các vị đại biểu Quốc hội và cử tri đã nêu, tham nhũng còn phổ biến và nghiêm trọng.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng. Tập trung hoàn thiện thể chế, kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin cho, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch, làm tốt công tác kiểm soát thu nhập; thay đổi văn hóa sử dụng tiền mặt, chuyển mạnh sang thanh toán qua tài khoản.

Thủ tướng cũng nêu rõ: ngăn chặn, loại bỏ lợi ích nhóm, nhất là trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như đầu tư công, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, các dự án BT, BOT, đất đai, tài nguyên... và trong công tác cán bộ.

Thủ tướng cũng đánh giá, lãng phí trong bộ máy Nhà nước và trong xã hội vẫn còn rất nghiêm trọng. Cần phải thay đổi văn hóa trong thực hành tiết kiệm của từng cán bộ, công chức và trong toàn xã hội, quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách, mua sắm và sử dụng tài sản công, xe ôtô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước...

Trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ thêm một lần nêu thông điệp quyết liệt chỉ đạo xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước các cấp liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu.

“Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân đồng hành, nói không với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, hình thành văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử lành mạnh, văn minh, không tạo cơ hội cho cán bộ, công chức tham nhũng, lãng phí”, Thủ tướng nói.

Hạn chế tối đa bảo lãnh vay mới

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, nợ công là vấn đề hệ trọng đối với kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia, được nhiều vị đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.

“Có nhiều ý kiến cho rằng nợ công tăng nhanh, nếu tính đầy đủ đã vượt trần cho phép”, Thủ tướng nói.

Ông cam kết, Chính phủ sẽ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, tập trung rà soát các dự án sử dụng vốn vay, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn, giảm thiểu rủi ro, công khai các thông tin về nợ công, tính toán đầy đủ và báo cáo  Quốc hội các giải pháp căn cơ, khả thi.

Với nợ xấu, Thủ tướng đánh giá là vấn đề rất quan trọng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ để  ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông cũng nhắc lại ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội, nợ xấu còn cao, xử lý chưa thực chất và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ, nhất là về xử lý tài sản bảo đảm; năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) còn hạn chế, tỷ lệ nợ xấu được xử lý qua VAMC rất thấp, thị trường mua bán nợ chưa phát triển...

Giải pháp thời gian tới được Thủ tướng đề cập là phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tập trung thu hồi nợ, thu giữ, định giá, phát mại tài sản; cải cách thủ tục tố tụng, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm; tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực cho VAMC; phát triển thị trường mua bán nợ.

Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế.

Tăng cường hiệu lực hiệu quả thanh tra, giám sát, xử lý căn bản tình trạng sở hữu chéo của các tổ chức tín dụng. Khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại đã mua lại 0 đồng và giám sát đặc biệt, trên nguyên tắc phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro và an toàn hệ thống.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoi-su/thu-tuong-khong-tao-co-hoi-cho-can-bo-cong-chuc-tham-nhung-20161117123148266.htm