Thủ tướng: Khen thưởng phải gắn với chống tiêu cực, tham nhũng

Chủ trì cuộc họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phong trào thi đua khen thưởng phải gắn với tình hình đất nước như chống tiêu cực, tham nhũng để phong trào không phải là hình thức.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phong trào thi đua - khen thưởng với gắn chặt với tình hình đất nước - Ảnh: Thế Dũng

Sáng nay 23-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị tổng kết Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương (Hội đồng TĐ-KT) năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng TĐ-KT báo cáo, trong năm 2016, thường trực Hội đồng duy trì họp định kỳ 3 tháng/lần, cho ý kiến về việc tặng “Cờ thi đua của Chính phủ” đối với các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của các cụm, khối và cá nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”.

Năm 2016, trên cơ sở nhận xét, đánh giá của Thường trực Hội đồng, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đã trình Thủ tướng tặng 22 cờ thi đua của Chính phủ và 33 bằng khen của Thủ tướng cho 55 bộ, ban, ngành, địa phương; đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 102 cá nhân, để lại 42 trường hợp do chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Trần Thị Hà cũng khái quát những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua khen thưởng năm 2016.

Các phong trào thi đua tuy đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm phát động nhưng còn một số phong trào hiệu quả chưa cao, chưa đi vào chiều sâu, hình thức và nội dung thi đua chưa phong phú, đa dạng, chưa phát huy hết tác dụng của các phong trào. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Chất lượng công tác khen thưởng tuy đã được nâng lên nhưng cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng mà thành tích chưa thật tiêu biểu. Trong công tác khen thưởng chưa tạo được sự chuyển biến trong việc phát hiện các điển hình để khen thưởng kịp thời, khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất.

Hoạt động của các cụm, khối thi đua tuy đã có những đổi mới trong việc xây dựng các tiêu chí thu đua nhưng nội dung sinh hoạt chưa đa dạng, phong phú; công tác thông tin, phối hợp còn hạn chế, chưa phát huy tính năng động sáng tạo và hoạt động còn hình thức, chưa hiệu quả.

Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng TĐ-KT cũng xác định, thời gian tới, cần hết sức thận trọng trong việc xem xét khen thưởng cho các doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp vì công tác thẩm định, kiểm tra không đơn giản.

Chủ tịch Hội đồng TĐ-KT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới là việc làm cần thiết. Ở Việt Nam có nhiều tâm gương tốt, nhiều nhân vật điển hình tốt, người tốt, việc tốt… Vấn đề là chưa tuyên truyền tốt, chưa làm lan tỏa rộng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý còn nhiều mặt chưa tốt, chưa tích cực lại được chưa đầy đủ, đa chiều, nhất là trên mạng xã hội. Thông qua phong trào thi đua yêu nước lồng ghép những vấn đề gì, gắn với tình hình đất nước, những việc làm thiết thứ chứ không phải là hình thức.

"Chống tiêu cực, tham nhũng càng phải nêu đậm trong phong trào thi đua khen thưởng" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) Bùi Văn Cường cho biết chương trình “Dấu ấm 30 năm đổi mới” do TLĐLĐ tổ chức dự kiến vào 19-5 tới đây. TLĐLĐ mong muốn Hội đồng TĐ-KT sẽ vinh danh những tập thể, cá nhân đặc biệt xuất sắc. “Trong 30 năm đổi mới đến nay có nhiều tập thể, cá nhân đặc biệt xuất sắc không thể không biểu dương để tuyên truyền lan tỏa như tỉnh Bình Dương, TP Đà Nẵng , Tập đoàn Viettel…” – ông Cường nhấn mạnh.

Ông Thào Xuân Sùng – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nhiều tiêu cực rất nhỏ nhưng lại lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội vì thế trách nhiệm của Hội đồng TĐ-KT thông qua Hội đồng TĐ-KT địa phương, cấp ủy, tổ chức đảng chính quyền thông qua hoạt động TĐ-KT để kiểm tra, uốn nắn.

Thực tế cho thấy nhiều phong trào TĐ-KT làm rất tốt như Bộ Giao thông vận tải hay ở các tỉnh Tây nguyên có phong trào “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” được làm rất tốt mà lại không mất kinh phí. "TĐ-KT phải thực chất, gắn với đời sống, tạo sự đoàn kết trong nhân dân, xã hội. Phải tạo ra phong trào người giàu giúp người nghèo, người khỏe giúp người yếu"- ông Sùng nói.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Lương Cường đặt vấn đề trong phong trào TĐ-KT có bệnh thành tích, có thực chất không?

"Tôi cho là có bệnh thành tích, có chỗ không thực chất. Báo cáo về việc TĐ-KT cũng không thể bỏ qua những hiện tượng chưa tốt như thế này. TĐ-KT phải thực chất, chống bệnh thành tích thì phải rộng đường lắng nghe. Chứ có tấm gương nào vừa định đưa lên thì mạng xã hội nêu đủ thứ chưa hay. Đúng là không thể cầu toàn nhưng nếu thông tin bên ngoài đưa ra nhiều vấn đề thì cũng cần xem xét, kiểm tra để chọn người cho trúng, cho đúng"- ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cho rằng những việc tốt, cách làm tốt, con người tốt để tuyên truyền cần gần gũi, thiết thực, phải có hình thức tuyên truyền đi được vào đời sống, để nhân dân, cả xã hội ủng hộ và nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt.

Ông Cường dẫn vấn đề văn hóa giao thông ở Việt Nam rất nhức nhối, mạnh ai lấn đường thì phong trào TĐ-KT phải chú ý để lồng ghép để tạo sự thay đổi.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cho biết trong ngành có nhiều phong trào rất đáng biểu dương như Tổng cục 8, Bộ Công an đã có phong trào "Viết thứ xin lỗi phạm nhân" gửi đến những phạm nhân cụ thể mà các đồng chí có ứng xử chưa phải.

Ông Thành cũng nhìn nhận có bệnh thành tích trong TĐ-KT. "Thậm chí ông viết báo cáo thì nhận hết thành tích về mình hay khen lãnh đạo nhiều quá"- ông Thành thắng thắn.

Thế Dũng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thu-tuong-thi-dua-yeu-nuoc-phai-gan-voi-chong-tieu-cuc-tham-nhung-2017022309371328.htm