Thủ tướng: Huy động nguồn lực khơi dậy tiềm năng phát triển khu vực sông Mekong

Kết thúc hội nghị cấp cao các nước sông Mekong AMCECS 7 và CLMV 8, trưa nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước để thông báo kết quả hội nghị. Cuộc họp báo trực tiếp đầu tiên của Thủ tướng trong 7 tháng kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tới nay đã phải dời muộn lại hơn một tiếng do các cuộc thảo luận cấp cao kéo dài hơn dự kiến.

Thủ tướng cho biết, lần này Việt Nam đăng cai “3 trong 1”: ACMECS 7, CLMV 8 và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đầu tiên về Mekong lần đầu tiên theo sáng kiến của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định ba hội nghị trên thành công trên 3 phương diện:

Chưa bao giờ các hội nghị này đông thế, lãnh đạo các nước tham gia rất đầy đủ. Đặc biệt chúng ta có sáng kiến mời các đối tác phát triển cùng tham dự đông đủ, như UNDP, WB, ADB, các tập đoàn tổng công ty thành viên WEF của các nước, Việt Nam, đông đảo các đại sứ, đại diện có mặt ở Hà Nội...

Thứ hai, tại hội nghị đã đưa ra nhiều chủ trương hợp tác mới mạnh mẽ hơn, như tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, phấn đấu xây dựng một xã hội hướng về người dân, đáp ứng các thách thức biến đổi khí hậu...

Thứ ba, không chỉ bằng chủ trương, các hội nghị đưa ra biện pháp cụ thể với nhiều dự án khu vực kết nối ACMECS, CLMV. Các nước thấy cần tăng cường quan hệ nội khối tốt hơn, đồng thời phát triển mạnh mẽ mối quan hệ với các nước phát triển, từ các nước nhóm đầu ASEAN, EU, Trung Quốc, các nước khác, các đối tác phát triển như WB, ADB.

“Tôi cảm nhận các nhà lãnh đạo của ACMECS và CLMV họ cảm thấy sự thiết thực trong quá trình diễn ra hội nghị ở Việt Nam” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Về những kết quả chính, Thủ tướng cho biết, 3 ngày hội nghị đã bàn biện pháp huy động nguồn lực nhằm khơi dậy tiềm năng và sự phát triển ở khu vực Mekong. Hội nghị cũng đưa ra những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 với tiến trình công nghiệp hóa ở các nước Mekong, các giải pháp kết nối để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp với các Chính phủ. Các nước CLMV thấy cần cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, ứng dụng nền kinh tế số, phát huy thế mạnh trong nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin để kết nối các nền kinh tế nội khối.

Thủ tướng cho biết, khối doanh nghiệp đã tham gia từ đầu đến cuối các hội nghị với sự nhiệt tình, tìm hiểu kỹ các dự án khả thi. Các đối tác phát triển rất nhiệt tình khi thấy chúng ta đưa ra các dự án thiết thực và họ cũng thấy sự cần thiết đưa ra các dự án lớn để kết nối khu vực, nhất là kết nối giao thông, điện, các nền kinh tế, tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng xanh trong sự phát triển của nội khối.

Để tận dụng tối đa hiệu quả các cơ chế hợp tác trên, Thủ tướng cho rằng Việt Nam phải thấy điểm yếu và trách nhiệm nội khối như thế nào, cho nên việc chuẩn bị các dự án có tính khả thi cao để kết nối là rất quan trọng. "Việt Nam đặt vấn đề cải tạo chính mình để nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, để thuộc nhóm đầu ASEAN chứ không chỉ trong CLMV. Cần thực hiện chính phủ kiến tạo, liêm chính, phát triển hành động, chủ động để quản lý kinh tế-xã hội tốt hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, tạo nguồn lực tốt nhất để phát triển kinh tế-xã hội kịp các nước" - Thủ tướng nói.

Ông Vũ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Bộ Ngoại giao, trưởng đoàn quan chức cấp cao Việt Nam tại ASEAN, cho biết thêm, việc sử dụng hiệu quả, công bằng và bền vững nguồn nước sông Mekong đã được đặt ra tại các hội nghị này cũng như tại nhiều cơ chế hợp tác khác trong khu vực. Nội dung về nguồn nước được thể hiện trong cả 2 văn kiện hội nghị, gồm tuyên bố chung của CLMV và Tuyên bố Hà Nội. Các bên đã làm việc trong nửa năm qua về dự thảo tuyên bố này. Trong cả 2 văn kiện, các nước đồng ý tăng cường hợp tác về sử dụng tài nguyên thiên nhiên sông Mekong, cam kết các nỗ lực nhằm đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có vấn đề sử dung hiệu quả công bằng bền vững nguồn nước và nguồn tài nguyên khác.

Trong văn kiện này cũng như các cơ chế hợp tác khác của ASEAN đã khẳng định việc tăng cường hợp tác với Ủy hội Mekong Quốc tế (MRC) - ông Minh cho biết. “MRC hiện là cơ chế duy nhất có tính ràng buộc, có năng lực khoa học kỹ thuật, quản lý nguồn dữ liệu để chia sẻ với các nước kế hoạch phát triển hạ tầng. Vì vậy chúng tôi đưa vào văn kiện ở mục 14 nói rằng tăng cường hợp tác với MRC là điều quan trọng. Việc triển khai thế nào còn bàn thảo tiếp nhưng vấn đề này rất thiết thực”.

V.N

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/thu-tuong-huy-dong-nguon-luc-khoi-day-tiem-nang-phat-trien-khu-vuc-song-mekong-604700.bld