Thủ tướng đang đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp cả nước

Đây là lần thứ 2 Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hội nghị này thu hút hơn 2000 đại biểu của các doanh nghiệp tham gia trực tiếp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn thấy nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, nhưng đây mới là những bước đi đầu tiên, kết quả còn khiêm tốn và còn phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để cải cách thủ tục hành chính, xử lý những rào cản gây khó khăn doanh nghiệp .

Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Hội nghị này thu hút hơn 2000 đại biểu của các doanh nghiệp tham gia trực tiếp, nhiều gấp 4 lần so với hội nghị đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó còn có sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương cùng hơn 10.000 đại biểu tại 63 đầu cầu trực tuyến của cả nước.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn nhận được những góp ý thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, một năm sau khi triển khai Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp, hội nghị lần thứ 2 này để nhằm đưa ra chương trình hành động với tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Vì thế Chính phủ cần những đóng góp thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp.

Tiếp đó, báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh , giảm chi phí và khuyến khích khởi nghiệp... là những điểm sáng đã được cộng đồng doanh nghiệp cả nước ghi nhận.

Trên thực tế, những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, của tập thể Chính phủ với định hướng kiến tạo, hành động, liêm chính đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Kết quả rất đáng ghi nhận là kết thúc năm 2016, Việt Nam đã đạt con số kỷ lục – hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng 16% so với 2015) – kỷ lục chưa từng có từ trước tới nay.

Với những nỗ lực ấy, Ngân hàng thế giới và nhiều tổ chức tài chính uy tín trên thế giới đều đã đánh giá cao và ghi nhận kết quả ấn tượng của Việt Nam; đồng thời chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng đã tăng lên 9 bậc (từ vị trí 91 lên 82).

Các tổ chức tài chính uy tín thế giới dự báo, với những định hướng tốt như hiện nay, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng hạng về chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh.

Đó là tiền đề vô cùng quan trọng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước, mà còn là điều kiện vô cùng quan trọng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Dù đã đạt được những thành công nhất định trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thì những ghi nhận từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một khoảng cách giữa chính sách và thực thi; vẫn còn những thủ tục hành chính chưa thật sự thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

Những tồn tại ấy một phần tác động đến chi phí kinh doanh khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, cần phải quán triệt và triển khai mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa Nghị quyết 35 của Chính phủ để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2017.

"Boeing cũng không đáp ứng nổi điều kiện kinh doanh ở Việt Nam"

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thẳng thắn nêu ra vấn đề này trong bài phát biểu.

Ông Lộc nhấn mạnh khi tổng kết Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đưa ra 3 thông điệp căn bản: Doanh nghiệp là động lực của sự phát triển; Chính phủ có trách nhiệm kiến tạo, phục vụ doanh nhân và Khởi nghiệp là sự nghiệp của nhân dân.

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao Nghị quyết 35 với các mục tiêu, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể; Thủ tướng và Chính phủ giữ vững tinh thần: "Trong Chính phủ không có chỗ để bàn lùi". Quyết tâm cao của Thủ tướng, của Chính phủ và nhiều bộ, ngành, địa phương... đã từng bước cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh.

Đặc biệt là Thủ tướng chỉ đạo phải ghi nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp và nhanh chóng trả lời, tìm mọi giải pháp gỡ rối, xóa bỏ những gì còn tồn tại mà gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng thời, ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn cho biết, Việt Nam còn đối diện với nhiều khó khăn do những tồn tại từ nhiều năm trước tích tụ dồn lại, trong đó phải kể tới vấn đề chi phí kinh doanh vào loại lớn nhất trong khu vực.

Vẫn còn tình trạng giải thích nhưng không giải quyết khiến người dân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Ở một số địa phương có hiện tượng lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp ; điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp... đây là những tồn tại, thách thức, là rào cản cho quá trình phát triển và cần phải sớm xóa bỏ, giải quyết triệt để thời gian tới.

Báo Điện tử Giáo dục Việt nam tiếp tục cập nhật....

Diệu Linh - Mai Anh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/kinh-te/thu-tuong-dang-doi-thoai-voi-cong-dong-doanh-nghiep-ca-nuoc-post176664.gd