Thủ tướng: Có thể xem xét cho phá sản DNNN mất vốn chủ sở hữu

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường, thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một số nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng báo cáo Quốc hội để tái cơ cấu DNNN.

Tái cơ cấu chưa đạt kế hoạch đề ra

Báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp. Một số DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh. Nhiều dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, có trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Thủ tướng, trong 9 tháng, Nhà nước đã thoái vốn 2.800 tỷ đồng giá trị sổ sách, thu về 5.000 tỷ đồng. Tổng cộng đã có 48 DNNN được cổ phần hóa, 10 doanh nghiệp giải thể, 1 doanh nghiệp phá sản. Nhà nước cũng đã hoàn tất bán 1 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp công lập. Chính phủ đã cho chủ trương thoái vốn của Sabeco, Habeco; bán vốn tại 10 doanh nghiệp do SCIC quản lý (trong đó có Vinamilk).

Thủ tướng cũng nhận định tái cơ cấu DNNN năm qua cũng có một số kết quả bước đầu. Chính phủ đã tổng kết 10 năm thực hiện tái cơ cấu DNNN, xây dựng Đề án tổng thể cho giai đoạn 2016-2020 và Đề án thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chính phủ cũng chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và thực hiện đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai minh bạch, không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.

Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước được giao thực hiện kiểm toán trước khi cổ phần hóa đối với doanh nghiệp có vốn từ 5.000 tỷ đồng trở lên . Đối với quá trình cổ phần hóa, cũng có chủ trương tính giá quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp và bảo đảm công khai, minh bạch, đấu giá và niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước.

Nhiều giải pháp tái cơ cấu DNNN được đề ra

Trong nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới, Thủ tướng khẳng định tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là các vấn đề trọng tâm.

Chính phủ triển khai Kế hoạch tổng thể tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường, thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ hướng tới việc nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DNNN, khi cổ phần hóa phải đăng ký, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, mất vốn chủ sở hữu mà không thể tháo gỡ được thì xem xét, cho bán hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; xây dựng và thực hiện Kế hoạch giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện.

Việc tinh giản biên chế và giảm chi từ NSNN phải kiên quyết được thực hiện, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, thực hiện công khai, minh bạch trong tái cơ cấu DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập, chống thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong xác định giá trị quyền sử dụng đất, thuê đất để tính giá trị doanh nghiệp cũng là những nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm thực hiện tái cơ cấu DNNN.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/thu-tuong-co-the-xem-xet-cho-pha-san-dnnn-mat-von-chu-so-huu-20161020041123142p4c146.news