Thủ tướng Chính phủ tiếp Công tước xứ Cambridge; Hiệu trưởng Trường ĐH Waikato (New Zealand)

Chiều 16-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Công tước xứ Cambridge, Bá tước xứ Strathearn (Scotland), Nam tước xứ Carrickfergus (Bắc Ireland), Hoàng tử Anh William Arthur Philip Louis đang có chuyến thăm Việt Nam.

Hoan nghênh và chào mừng Công tước xứ Cambridge tới Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh trên tất cả các lĩnh vực với các định hướng và thỏa thuận hợp tác về kinh tế, chính trị, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, quốc phòng, an ninh. Tin tưởng chuyến thăm Việt Nam của Công tước xứ Cambridge sẽ thành công tốt đẹp, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy hợp tác với Vương quốc Anh. Khẳng định hợp tác kinh tế là trụ cột trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng bày tỏ mong muốn Công tước ủng hộ, có biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác và tình hữu nghị giữa hai nước ngày một phát triển tốt đẹp hơn trong thời gian tới.

Đánh giá cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục đi sâu, mở rộng hợp tác toàn diện trong lĩnh vực này để sinh viên Việt Nam tiếp cận với hệ thống giáo dục chất lượng. Hai bên cũng cần tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, đào tạo nghề. Thủ tướng mong muốn Vương quốc Anh tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao, giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, học sinh Việt Nam sang học tập tại Anh. Đánh giá cao vai trò Ngài Đại sứ Anh tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước với việc tổ chức thành công nhiều chuyến thăm cấp cao quan trọng, Thủ tướng chúc Công tước đồng chủ trì thành công Hội nghị Hà Nội về phòng, chống buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đặc biệt quan tâm việc bảo vệ động vật hoang dã và trên thực tế, công tác này luôn được triển khai đồng bộ cả trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và trong triển khai áp dụng các quy định của pháp luật. Việt Nam cũng thường xuyên chú trọng việc tuyên truyền trong nhân dân về lợi ích của công tác bảo vệ động vật hoang dã. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, buôn bán động vật hoang qua biên giới cả trên bộ, trên biển và hàng không. Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn Vương quốc Anh tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam để triển khai nhiệm vụ này một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Về phần mình, Công tước xứ Cambridge, Hoàng tử Anh William Arthur Philip Louis bày tỏ rất kỳ vọng vào chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên này để tìm hiểu về đất nước, con người và kết quả công tác phòng, chống buôn bán động vật, thực vật hoang dã. Công tước khẳng định, Vương quốc Anh luôn coi trọng mối quan hệ song phương với Việt Nam và cho biết, sẽ tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy mối quan hệ ngày càng đi vào hiệu quả, nhất là lĩnh vực giáo dục, thương mại.

Bày tỏ sự quan tâm cuộc chiến bảo vệ các loại động vật quý hiếm khỏi nạn tuyệt chủng, Công tước đánh giá cao kết quả nỗ lực bảo tồn động thực vật hoang dã của Việt Nam và cho rằng, việc tăng cường pháp luật trong cuộc chiến này tại Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu để các quốc gia khác học tập. Nhấn mạnh cuộc chiến bảo vệ các loại động vật quý hiếm là vấn đề xuyên quốc gia, xuyên biên giới và mang tính cấp bách, Công tước cho biết đây cũng là mục tiêu của Hội nghị Hà Nội về chống buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã. Công tước cho rằng, sự ủng hộ, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực tuyên truyền nhận thức cho xã hội là điều kiện quan trọng để bảo đảm cho thắng lợi của cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã và có ý nghĩa lớn trong việc đối phó, xử lý tội phạm buôn bán động vật hoang dã - loại tội phạm có mức độ nguy hiểm tương đương với tội phạm buôn bán người.

* Chiều 16-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giáo sư Neil Clayton Quigley, Hiệu trưởng Trường Đại học Waikato (New Zealand).

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời hỏi thăm và chia sẻ về thiệt hại do trận động đất gần đây xảy ra ở New Zealand; đồng thời bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao Trường đã có nhiều lĩnh vực hợp tác với Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam và New Zealand có sự hợp tác về giáo dục từ rất sớm. Cho biết Việt Nam có nhiều tiềm năng về khoáng sản, với việc Trường đang hợp tác với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng và mong muốn được tăng cường hợp tác với Trường trên các lĩnh vực này - lĩnh vực mà Việt Nam rất có nhu cầu đào tạo, đồng thời mong Trường chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực trên. Việt Nam đang mở rộng hợp tác với các nước, trong đó có New Zealand, nhất là trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư. Quan hệ hợp tác thương mại song phương đang tiến triển tốt đẹp.

Về phần mình, Giáo sư Neil Clayton Quigley bày tỏ vui mừng được thăm Việt Nam, cho biết, trong chuyến thăm này, ông tìm thấy nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam, nhất là với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, qua đó có nhiều cơ hội trao đổi kinh nghiệm. Trường cũng có hợp tác trên lĩnh vực luật, sư phạm với một số trường đại học của Việt Nam. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Dự trữ New Zealand, ông cho rằng, việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực ngân hàng – tài chính của Việt Nam là hết sức cần thiết và là mối quan tâm lớn của Trường.

Ông cho biết, New Zealand có đội ngũ nhà khoa học hùng hậu trong lĩnh vực khoáng sản, có tiềm năng địa nhiệt lớn, do đó có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực này. New Zealand và Việt Nam có nhiều nét tương đồng văn hóa, con người. Nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học hàng đầu của New Zealand. Do đó, hợp tác về lĩnh vực giáo dục giữa hai nước sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31288002-thu-tuong-chinh-phu-tiep-cong-tuoc-xu-cambridge-hieu-truong-truong-dh-waikato-new-zealand.html