Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Đại biểu quốc hội: Thẳng thắn, quyết liệt giải quyết mọi vấn đề 'nóng'

Đó là đánh giá của đại biểu và cử tri cả nước về phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ vào sáng 17/11/2016. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội trên cương vị người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng đã đi thẳng vào các vấn đề của Chính phủ, trong đó những vấn đề ‘nóng bỏng’ nhất liên quan đến kinh tế, xã hội, nợ công và một số vấn đề khác, đồng thời người đứng đầu Chính phủ cũng nhận rõ trách nhiệm và đề ra được những giải pháp trong thời gian tới.

Hoàn thiện thể chế để không dám, không thể và không nên tham nhũng

Lần đầu tiên với tư cách Thủ tướng Chính phủ, trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt tập thể Chính phủ báo cáo giải trình thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV. Trong buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời chất vấn của 37 đại biểu tại hội trường liên quan đến nhiều vấn đề nóng, được đồng bào, cử tri cả nước quan tâm từ phát triển kinh tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, đến quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, đoàn kết, thống nhất, phấn đấu thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trả lời chất vấn đầu tiên của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về quyết tâm của Thủ tướng và Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là kiên quyết xử lý những hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin trong toàn Đảng, toàn dân.

Quốc hội phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 17.11

Để tạo niềm tin với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong công cuộc chống tham nhũng và tiêu cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cần phải loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. Theo Thủ tướng, đây là yêu cầu cấp bách nên cần có những chủ trương, biện pháp cụ thể trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị. Thủ tướng cho biết đã ban hành Chỉ thị về đạo đức công vụ, tăng cường hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần phải giáo dục, rèn luyện đạo đức cho các cán bộ. Đi liền với đó, cần phải xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tập thể vi phạm.

Giải đáp thắc mắc của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) về các biện pháp tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế sao cho không có kẽ hở để không dám, không thể và không nên tham nhũng. Song song với đó là tăng cường cải cách hành chính; nghiêm trị các hành vi tham nhũng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc, hành vi tham nhũng. Một biện pháp nữa cũng phải được chú trọng là phát huy hơn nữa vai trò của đoàn thể và đặc biệt là nhân dân, hệ thống báo chí, Mặt trận Tổ quốc trong phát hiện, đấu tranh với hành vi tham nhũng.

Giảm nợ xấu, giải quyết việc làm và trả nợ công

Nhiều vấn đề về kinh tế vĩ mô được các đại biểu quốc hội quan ngại và hỏi Thủ tướng cũng như thảo luận tại nghị trường. Thủ tướng cũng đưa ra những câu trả lời thẳng thắn, xác đáng về hầu hết các vấn đề. Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) về những biện pháp để hoàn thành mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5-7% đến năm 2020, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn nợ công trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Thủ tướng thừa nhận đây là mục tiêu hết sức khó khăn trong tình hình hiện nay. Song Chính phủ phải xác định yêu cầu cao như vậy mới có thể giải quyết vấn đề việc làm cho người dân.

Phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ được đánh giá là thẳng thắn và có nhiều biện pháp giải quyết quyết liệt (ảnh: internet)

Thủ tướng cho biết cứ 1% GDP là giải quyết được 300.000 lao động. Đặc biệt, theo Thủ tướng, phải đặt yêu cầu tăng trưởng cao như vậy mới đảm bảo có nguồn lực giải quyết gánh nặng nợ công.

“Dù đây là vấn đề khó khăn, là thách thức lớn nhưng trong bối cảnh này, phải phấn đấu, có nhiều biện pháp bám vào các thành tố của GDP, nhất là đối với lĩnh vực đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đi đôi với triển khai đồng bộ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa để hoàn thành mục tiêu” – Thủ tướng khẳng định.
Còn về những quan ngại của đại biểu Lê Quân (Hà Nội) về tái cấu trúc nền kinh tế, nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Thủ tướng cho biết, hiện nợ xấu theo thống kê chưa thực sự đầy đủ. Đây cũng là bài toán đặt ra cho nền kinh tế mà Chính phủ đang nỗ lực giải quyết, nhất đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng. “Nợ xấu phải được giải quyết để giảm dần, phải có biện pháp tiền tươi, thóc thật trong xử lý vấn đề này,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, trước hết phải có khung thể chế pháp lý tốt hơn, nhất là cho VAMC đi liền với kiểm soát chặt, không để phát sinh nợ xấu mới, đặc biệt là đưa vào chế độ kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại với giá 0 đồng. Chính phủ đang khẩn trương xây dựng các giải pháp toàn diện và sẽ báo cáo Quốc hội, sao cho “cục máu đông” nợ xấu ngày càng nhỏ đi, giúp cho việc điều hành nền kinh tế an toàn hơn.
Còn về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong điều kiện hội nhập, bảo vệ sản xuất trong nước như một số đại biểu trao đổi, Thủ tướng nêu rõ, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề độc lập tự chủ của nền kinh tế là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu. Cần đảm bảo xây dựng một nền kinh tế không phụ thuộc quá nhiều vào biến động của thị trường và nhất là về năng lượng, lương thực. Muốn vậy, phải tập trung phát triển những thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam như nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin; không ngừng mở rộng thị trường; khuyến khích và hỗ trợ phát triển mạnh các tập đoàn kinh tế tư nhân, tránh để tình trạng thua ngay trên sân nhà khi tham gia hội nhập.
Không dùng tiền thuế của người dân để xử lý các dự án thua lỗ

Một trong những vấn đề được các đại biểu quốc hội quan tâm nhiều tại nghị trường đó là vấn đề xử lý thua lỗ trong các dự án. Trả lời các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) và Trần Văn Minh (Quảng Ninh) liên quan đến quan điểm của Chính phủ trong việc xử lý các dự án thua lỗ lớn thời gian qua, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiên quyết không sử dụng tiền thuế của nhân dân để bù đắp cho hoạt động của các doanh nghiệp này. Ngoài ra, sẽ tiếp tục giải quyết theo hướng cắt lỗ nếu không sử dụng hiệu quả hoặc bán khoán, thậm chí tiến hành phá sản, không để những doanh nghiệp này trở thành gánh nặng của nền kinh tế; không kéo dài dự án ảnh hưởng niềm tin của nhân dân. Chính phủ sẽ xem xét nhiều biện pháp phù hợp sao cho đảm bảo tối đa quyền lợi Nhà nước trong tiến trình giải quyết và trong quá trình thanh, kiểm tra sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời gần 40 câu hỏi của đại biểu quốc hội (ảnh: TTXVN)

Cũng liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Thủ tướng cho biết thêm, Trung ương đã cho phép thành lập cơ quan quản lý vốn Nhà nước để triển khai trong thời gian tới. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đảm bảo không để thất thoát tài sản Nhà nước, nhưng không cổ phần hóa với bất cứ giá nào đi liền với công khai minh bạch trong cổ phần hóa và giám sát, kiểm toán thường xuyên.
Có thể nói, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng. Tổng cộng có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, trong đó có hơn 20 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, hơn 35 lượt đại biểu đặt câu hỏi tranh luận.

Kết thúc phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá các thành viên Chính phủ cơ bản đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng, ngành, lĩnh vực phụ trách, đã cố gắng trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu ra; nhận trách nhiệm và có giải pháp, quyết tâm làm chuyển biến tình hình trong thời gian tới.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận với việc biểu quyết thông qua Luật đấu giá tài sản; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Thứ sáu, ngày 18-11-2016, Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật đường sắt (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và thảo luận về dự án Luật du lịch (sửa đổi).

Hà Vân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thang-than-quyet-liet-giai-quyet-moi-van-de-nong/