Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Kiểm soát quyền lực của mọi cấp cán bộ”

Ngày 17/11, tại Nghị trường Quốc hội (QH), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn một loạt vấn đề “nóng” từ 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, phòng, chống tham nhũng, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… đến văn hóa từ chức…

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn

Không dùng tiền thuế của dân xử lý các dự án nghìn tỷ thua lỗ

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) chất vấn, người đứng đầu Chính phủ liên quan đến việc sử dụng tài sản công và thua lỗ của 5 dự án nghìn tỷ.

“Báo cáo của Chính phủ đã đề cập tài sản công sử dụng còn lãng phí, kém hiệu quả. Chính phủ có giải pháp gì để thực sự tài sản công là nguồn lực của đất nước? Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về 5 dự án nghìn tỷ, tuy nhiên cử tri vẫn còn băn khoăn, lo lắng. Đề nghị Thủ tướng chia sẻ quan điểm về vấn đề này để cử tri yên tâm”, ĐB Thường hỏi.

Cùng chung mối quan tâm, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, có “lỗ hổng” rất lớn của pháp luật, khiến hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước “tan thành mây khó” mà không xác định được trách nhiệm cụ thể của các tổ chức hay cá nhân. Thủ tướng có giải pháp nào để khắc phục lỗ hổng và nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)?

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội)

Không né tránh, người đứng đầu Chính phủ thừa nhận: “Việc sử dụng tài sản công còn nhiều lãng phí” và đưa ra một loạt các giải pháp như: Hệ thống tiêu chuẩn, định mức phải được công bố công khai, minh bạch để nhiều người dân được biết; phải có hình thức như khoán kinh phí, khoán xe công; đơn vị nào, cơ quan nào lãng phí sử dụng tài sản công thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Liên quan đến xử lý 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ, theo Thủ tướng, “không sử dụng tiền thuế của dân để bù lỗ”. Chính phủ đã có báo cáo về vấn đề này. “Việc xử lý sẽ được xem xét, kiểm tra, giải quyết kịp thời trong thời gian tới, tinh thần là nếu không hiệu quả, kiên quyết cắt lỗ, có thể bán, khoán, cho thuê các dự án thua lỗ, không để các dự án thua lỗ này là gánh nặng cho nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh, “từng dự án, Chính phủ sẽ xem xét hết sức cụ thể để có phương án tốt nhất”.

Còn với DNNN đã có cơ chế quản lý qua từng thời kỳ, đặc biệt là biện pháp cổ phần hóa, không để thất thoát tài sản của Nhà nước. “Tôi xin nhắc lại không phải cổ phần hóa bằng bất cứ giá nào”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ và lưu ý, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước cũng phải đặc biệt được quan tâm hơn trong vấn đề giám sát các DNNN.

Không để vụ tiêu cực, tham nhũng nào "chìm xuồng"

Các ĐBQH cũng bày tỏ lo lắng khi có một bộ phận cán bộ, công chức công chức tham nhũng, tha hóa, biến chất, vòi vĩnh, tiêu cực. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chất vấn: Thủ tướng có quyết tâm chấn chỉnh thực trạng trên hay không?

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên)

“Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có giải pháp đột phá nào ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, biến quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính của Thủ tướng sớm trở thành hiện thực?”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh hỏi.

Còn theo Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm, tham nhũng còn phổ biến và nghiêm trọng, lãng phí trong bộ máy Nhà nước và xã hội còn rất nghiêm trọng. “Tôi muốn, Chính phủ có một cơ chế đủ mạnh, đủ tâm và rõ hơn trong việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân để hoạt động này có hiệu quả”.

Trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy, đây là yêu cầu cấp bách. Theo đó, đề nghị QH một loạt những biện pháp để “không thể, không dám, không nên” tham nhũng.

“Thứ nhất, xây dựng thể chế phải không có kẽ hở. Thứ hai, cải cách hành chính, hạn chế tối đa việc xin - cho, nhất là những lĩnh vực dễ tham nhũng như ngân sách, xây dựng cơ bản, đất đai, tài nguyên… Thứ ba, nghiêm trị, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những vụ việc phát hiện tham nhũng. Thứ 4, tăng cường kiểm soát quyền lực của mọi cấp cán bộ”, Thủ tướng nêu.

Cùng với đó, công khai, minh bạch, quan tâm đến đời sống cán bộ trong bộ máy, kết hợp với làm công tác tư tưởng. “Rồi cả ý của ĐB Quyết Tâm nói là phối hợp tốt hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ, đoàn thể, nhân dân, báo chí trong phòng, chống tham nhũng. Tôi nghĩ, với những biện pháp đồng bộ như vậy thì sẽ hạn chế được tham nhũng”, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ quyết không để những vụ tiêu cực, tham nhũng rơi vào tình trạng “chìm xuồng”.

Giao Bộ Nội vụ nghiên cứu “văn hóa từ chức”

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn: Có một hiện tượng rất đau đớn làm phá hoại kỷ cương, làm tha hóa cán bộ, đó là hiện tượng “phạt cho tồn tại”, biết là làm sai, cơ quan công quyền chỉ thu về một món phạt hết sức khiêm nhường, để lại dư địa rất lớn cho sự thương lượng, tư túi, tôi cho rằng phải chấm dứt. Thủ tướng có chia sẻ với quan điểm của tôi không? Nếu tán thành, trong nhiệm kỳ của Thủ tướng có cam kết rằng sẽ loại bỏ hoàn toàn hiện tượng phạt cho tồn tại hay không?

Ông cũng nhắc lại văn hóa từ chức và cho rằng, đã chín muồi khi Đảng đã có nghị quyết và quyết tâm của Thủ tướng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo. “Thủ tướng có cho rằng, đã đến lúc cần thiết xây dựng quy trình pháp lý để cán bộ, công viên, viên chức được từ chức không?”.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

“Phạt cho tồn tại” là một thể chế mà chúng ta xây dựng nên”, Thủ tướng trả lời. Người đứng đầu Chính phủ thống nhất với ĐB là phải nghiên cứu một cách đầy đủ để “trường hợp nào hai thẻ vàng một thẻ đỏ, trường hợp nào cho thẻ đỏ luôn”. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến, nghiên cứu nghiêm túc, kịp thời, không để tồn tại việc dễ tham nhũng.

Liên quan đến văn hóa từ chức, Thủ tướng Chính phủ cho rằng là cần thiết “vì có những người do trình độ, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe… không tiếp tục công việc xin từ chức thì rất hoan nghênh”. Thủ tướng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu thể chế này, báo cáo Chính phủ để tạo điều kiện cho những người từ chức trong những điều kiện cụ thể”.

Phải bố trí cán bộ tiếp dân có phẩm chất, năng lực

Quan tâm đến công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu: Dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được hiện đại hóa, vẫn còn những vấn đề về năng lực, phẩm chất. Thời gian tới, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo công tác này như thế nào?

Thủ tướng nhấn mạnh: Bố trí cán bộ tiếp dân rất quan trọng, đây là khâu đầu tiên để lắng nghe ý kiến nhân dân. Các địa phương phải bố trí đủ cán bộ có năng lực, có trình độ, không chỉ cán bộ chuyên môn bình thường mà là cán bộ tốt để lắng nghe ý kiến nhân dân, có trách nhiệm để giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các địa phương, các bộ, ngành phải thực hiện nghiêm Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị.

“Vừa qua, chúng ta đã làm tốt khâu này, nhưng đâu đó, Chủ tịch, Bí thư, Bộ trưởng chưa làm tốt”, Thủ tướng nói và hi vọng “cán bộ các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhất là cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đều phải bố trí thời gian tiếp công dân, cùng với đó bố trí tăng cường cán bộ có phẩm chất, có năng lực tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/thu-tuong-chinh-phu-nguyen-van-phuc-kiem-soat-quyen-luc-cua-moi-cap-can-bo_t114c67n112172