Thủ tướng Chính phủ: Cần học hỏi Đồng Tháp về tái cơ cấu nông nghiệp

Ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đến thăm, làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đến thăm HTX xoài Mỹ Xương ở huyện Cao Lãnh

Ngày 12/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đến thăm, làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thủ tướng nhấn mạnh, cách làm của Đồng Tháp về tái cơ cấu nông nghiệp đáng để các địa phương trên cả nước học tập, vận dụng phù hợp với điều kiện của mình.

Đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2016; kết quả bước đầu việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; việc triển khai những chính sách hỗ trợ các mặt hàng tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,02%. Có 187 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số lên 4.207 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 32.600 tỷ đồng. Thu hút được 1,35 triệu lượt khách du lịch, tăng 5,7%.

Một điểm sáng là việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nhiều năm liền đứng trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu và 2 năm liên tục (2014 - 2015) đứng thứ 2 cả nước.

Theo đó, tỉnh đã tổ chức lại sản xuất 5 ngành hàng chủ lực như lúa gạo, xoài, hoa cảnh, cá tra, vịt. Tỉnh cơ bản giải được bài toán “được mùa mất giá” đối với lúa gạo, xoài; chi phí sản xuất lúa đã giảm hơn 600 đồng/kg và lợi nhuận cao gần gấp đôi so với sản xuất theo tập quán cũ, xoài đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính (Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand), phần lớn diện tích nuôi cá tra của tỉnh được cấp mã số. Lợi nhuận trên 1ha đất trồng đạt khoảng 10 triệu đồng/năm; lợi nhuận trên 1ha nuôi trồng thủy sản tăng 3,2%...

Với những kết quả mà Đồng Tháp đạt được, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Tháp vì đã dành sự quan tâm sâu sắc và có những chỉ đạo hết sức quyết liệt để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Đồng Tháp là tỉnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm nhất cả nước, từ đó khẳng định chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có quyết tâm và cách làm đúng.

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đánh giá cao hướng đi của tỉnh Đồng Tháp, việc lựa chọn và tập trung vào 5 ngành hàng để tái cơ cấu là đúng đắn và có trọng tâm, trọng điểm. Những kết quả đáng phấn khởi vừa đạt được là nhờ vào sự quyết liệt, minh bạch và đồng thuận cao của lãnh đạo tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, ông Mai Tiến Dũng đề nghị tỉnh nghiên cứu cơ chế thu hút đầu tư, đặc biệt là trong chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, nghiên cứu giảm diện tích trồng lúa để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Kinh nghiệm quý

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa đứng đầu cả nước, Đồng Tháp đã có nhiều chính sách năng động trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách bài bản đem lại những kết quả bước đầu khá cụ thể. Đây là một kinh nghiệm quý để áp dụng cho vùng ĐBSCL cũng như cả nước có thể học hỏi và áp dụng trong việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo hội nghị về việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Đối với những kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đồng ý với các kiến nghị đó là: Đưa vốn Trái phiếu Chính phủ để đầu tư hoàn chỉnh tuyến Quốc lộ 30; chủ trương bố trí vốn cho tỉnh thực hiện dự án đầu tư Bệnh viện đa Khoa tỉnh với qui mô 700 giường.

Bổ sung cặp cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp - Bon Tia Chắc Crây, tỉnh Prâyveng vào Nghị định thư và Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Campuchia để tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế biên giới tại cửa khẩu quốc tế Dinh Bà. Đồng thời cần rà soát bổ sung tỉnh Đồng Tháp vào Quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao, với diện tích 150 - 200ha.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Đồng Tháp tiếp tục phát huy kết quả đạt được, không được chủ quan, lơ là. Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh về 2 thời cơ mà nếu không tận dụng tốt thì sẽ trở thành nguy cơ. Đó là việc nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc tham gia nhiều FTA. Thứ hai là tình hình biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, mạnh ở ĐBSCL. Đây là nguy cơ nhưng buộc chúng ta phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhanh, mạnh hơn mà nếu thành công, sẽ biến thành thời cơ.

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn công tác đã gợi mở, “hiến kế” cho tỉnh Đồng Tháp về các biện pháp phát triển KT-XH thời gian tới. Các ý kiến cho rằng, Đồng Tháp, tỉnh đứng thứ 3 cả nước về sản lượng lúa và đứng đầu về sản lượng cá tra, cần tiếp tục giữ sự nhiệt huyết, quyết liệt trong tái cơ cấu nông nghiệp, với việc triển khai nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ.

Một số ý kiến khuyến cáo Đồng Tháp về vấn đề biến đổi khí hậu khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cũng như trong quy hoạch, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; bổ sung các trạm quan trắc nước tự động trên các triền sông; hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cần tính toán khép kín chuỗi giá trị sản phẩm, bởi nếu sản xuất lãi 1 đồng thì thêm khâu chế biến sẽ lãi thêm 2 đồng và phân phối lãi thêm 3 đồng.

Với lợi thế sông ngòi nhiều, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tỉnh nên phát triển mạnh hơn nữa hệ thống giao thông đường thủy nội địa, cảng biển, giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh). Đây là loại trái cây đặc sản của tỉnh, được cấp mã vùng để xuất khẩu sang New Zealand, cấp chứng nhận phù hợp quy trình VietGAP, GlobalGAP và là một trong năm ngành hàng được tỉnh chọn để tái cơ cấu.

Hiện xoài của HTX đã có đại lý tiêu thụ nhiều nơi trong nước. Đặc biệt, năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 đã xuất khẩu trên 200 tấn xoài qua các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Hồng Kông, trong khi đó, một số thị trường mới như Malaysia, Úc đang có nhu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự tự nguyện gia nhập hợp tác xã là cần thiết để giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận và sức cạnh tranh. Thủ tướng cũng đánh giá cao mô hình hoạt động của HTX và đề nghị tỉnh tiếp tục nhân rộng.

Làm việc với Cty CP Vĩnh Hoàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Cty và hy vọng với những chiến lược kinh doanh của mình, đơn vị sẽ ngày càng phát triển, đặc biệt là khi gia nhập TPP.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Vĩnh Hoàn, phấn khởi nói: “Thời gian qua công ty luôn được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, Trung ương, đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp luôn nhất quán chủ trương đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhờ vậy mà công ty luôn phát triển ổn định”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/thu-tuong-chinh-phu-can-hoc-hoi-dong-thap-ve-tai-co-cau-nong-nghiep-post166880.html