Thủ tướng Anh quyết tâm hàn gắn đất nước sau Brexit

Hôm nay, 29-3, Chính phủ Anh bắt đầu kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để chính thức khởi động tiến trình đàm phán ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh, Brexit không đồng nghĩa với việc nước Anh sẽ rút khỏi cộng đồng quốc tế, mà sẽ chớp cơ hội này để xây dựng một quốc gia ngày càng hội nhập với toàn cầu, đồng thời thiết lập mối quan hệ đối tác mới với EU.

Theo bà May, nước Anh sẽ vươn ra bên ngoài châu Âu để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với bạn bè truyền thống và cả các đồng minh mới. Nữ Thủ tướng Anh tin rằng, tiến trình đàm phán Brexit sẽ giúp London tạo dựng mối quan hệ đối tác với EU, nhưng đây cũng là thời điểm mà Anh sẽ tăng cường vai trò của mình trên trường quốc tế.

Liệu tiến trình đàm phán Brexit có giúp London tạo dựng mối quan hệ đối tác với EU? (Ảnh minh họa)

Đối với EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker nhấn mạnh “cuộc chia ly hơn 50 tỉ bảng Anh” này là “một sai lầm và một bi kịch”, nhưng không vì thế mà EU này rơi lệ.

Ông Juncker tin rằng, sau Brexit, sẽ không có thêm bất cứ quyết định ra đi nào nữa từ Hà Lan (Nexit), Austria (Oexit), Đan Mạch (Dexit), Pháp (Frexit)…, đồng thời khẳng định EU và EC sẽ đàm phán với Anh một cách “thân thiện nhưng không ngây thơ”. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ lập trường cứng rắn liên quan đối với các vấn đề liên quan đến Brexit.

Cụ thể là nghĩa vụ đóng góp tài chính của Anh đối với EU do việc nước này rời khỏi EU và trong các cuộc đàm phán tiếp theo sau đó. Mặc dù từng bày tỏ quan điểm muốn giữ quan hệ “thật gần gũi” với London, nhưng đến nay, rõ ràng Berlin phải ưu tiên duy trì sự thống nhất trong EU do những thách thức mà liên minh này đang phải đối mặt.

Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schuble nhấn mạnh “ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là làm sao giữ các nước trong EU gắn kết bền chặt với nhau khi không có Anh”.

Liên quan tới vấn đề nghĩa vụ đóng góp tài chính của Anh đối với EU, ông Juncker cũng thừa nhận rằng, EU sẽ đề nghị Anh nộp một khoản tiền (nằm trong số 50 tỉ bảng Anh) trước khi ra đi, nhưng bác bỏ đây là hình thức trừng phạt, mà chỉ là để dàn xếp những cam kết London đưa ra. Về số 50 tỉ bảng Anh, Chủ tịch EC cho biết con số chính xác sẽ được “tính toán một cách khoa học”.

Có ý kiến cho rằng, việc Anh bắt đầu tiến trình “Brexit cứng”, bên lo lắng nhất chính là trung tâm tài chính London. Thực tế đã chứng minh, ngay sau khi Thủ tướng May đưa ra tín hiệu “Brexit cứng” trong cuộc họp thường niên của đảng Bảo thủ hồi tháng 10-2016, đồng Bảng Anh đã giảm giá mạnh, khiến Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond phải tức tốc tới trung tâm tài chính để làm yên lòng họ và cho biết sẽ bố trí về vấn đề thị trường chung.

Hai tháng sau đó, Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis cho biết, Anh sẽ xem xét thông qua phương thức trả phí để ở lại thị trường chung. Các nhân vật chủ chốt trong Chính phủ Anh nhiều lần tỏ thái độ mơ hồ về thị trường chung nhưng cố gắng tránh làm cho trung tâm tài chính hoang mang.

Cho dù trung tâm tài chính London có ưu thế rất lớn, nhưng “Brexit cứng” có thể lay động địa vị đứng đầu thế giới của trung tâm này. Các chuyên gia đã “điểm mặt” 3 yếu tố gây ảnh hưởng chính. Thứ nhất, hiện có khoảng 5.500 công ty đăng ký ở Anh dựa vào giấy thông hành của EU để cung cấp tài chính cho ngành tài chính Anh.

Nếu “Brexit cứng” khiến cho những công ty trên mất đi “giấy thông hành”, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng, là một đòn tấn công chí mạng đối với trung tâm tài chính London. Tiếp đó, London là trung tâm thanh toán bằng đồng euro lớn nhất thế giới, đang kiểm soát 70% giao dịch có liên quan tới đồng tiền này.

Nhưng sau Brexit, EC sẽ xem xét lại việc giải quyết vấn đề thanh toán bằng đồng euro, có thể sẽ có thay đổi về pháp quy, trao quyền cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kiểm soát nghiêm ngặt đối với nghiệp vụ thanh toán bằng đồng euro, hạn chế các nước bên ngoài EU tham gia nghiệp vụ thanh toán bằng đồng euro.

Cho dù đàm phán Anh – EU vẫn có nhiều tính không xác định, địa vị của London với tư cách là trung tâm tài chính của châu Âu chắc chắn sẽ yếu đi, bố cục tài chính của châu Âu trong tương lai rất có thể phát triển theo hướng “nhiều trung tâm”. Tuy nhiên, London dù suy yếu nhưng vẫn mạnh mẽ hơn các thành phố khác, vẫn là “trung tâm tập hợp và phân tán nghiệp vụ tài chính”.

Trong khi đó, Frankfurt được coi là trụ sở chính của ECB và được hưởng ưu thế chính sách của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có hy vọng trở thành trung tâm thanh toán bằng đồng euro mới.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/thu-tuong-anh-quyet-tam-han-gan-dat-nuoc-sau-brexit-434522/