Thủ tục về thuế vẫn làm nhức đầu doanh nghiệp

Đó là nhận định chung của các nhà lãnh đạo ngành thuế và doanh nghiệp tại hội thảo "Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế" diễn ra sáng nay 21.6 tại Hà Nội.

Nặng gánh về thời gian

Bàn về môi trường kinh doanh của Việt Nam dưới tác động của các thủ tục thuế phí tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo – Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện 3 bậc, đạt được 5/10 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu về tiết kiệm điện năng, tín dụng, thuế. Thông số này đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào ngày 31.5.2015, vào đợt công bố tới là 31.10.2016 dự báo những thông số này sẽ được cải thiện đáng kể.

Theo bà Thảo, thời gian nộp thuế bao gồm cả thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, Việt Nam hiện đã giảm được 102 giờ (từ 872 giờ xuống còn 770 giờ, trong đó 273 giờ của bảo hiểm xã hội và 497 giờ nộp thuế), tăng 4 bậc, song thời gia nộp thuế vẫn còn cao hơn rất nhiều so mức giờ trung bình ở ASEAN 3 và ASEAN 4 (mức giờ trung bình của hai nhóm này là hơn 100 giờ). Trong đó, đáng chú ý là với ASEAN 4, Việt Nam còn kém xa Malaysia, Thái Lan, Phillipines, khoảng cách về thời gian nộp thuế giữa Việt Nam và các nước trong nhóm này còn rất lớn (giữa gần 800 giờ và hơn 100 giờ)

Ngoài ra, năm 2016, do tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, tỷ suất thuế và bảo hiểm bắt buộc tăng lên 39,34%: trong đó thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 22% xuống 20%, nhưng đáng chú ý là tỷ suất thuế lại tăng lên 14,53% (mức này thấp hơn bình quân của các khu vực đã nêu trên), bảo hiểm xã hội tăng 24,81%. Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, năm 2016, giờ nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam đã đạt mức bình quân của ASEAN 6.

"Theo đó có thể thấy, tham vọng của Chính phủ Việt Nam là nâng mức thuận lợi trong thủ tục thuế của Việt Nam ngang bằng ASEAN 3 và ASEAN 4 vào năm 2020 quá khó khăn vì khoảng cách còn rất xa, từ 770 giờ hiện nay xuống còn hơn 100 giờ trung bình của ASEAN 4 là quá khó", bà Thảo nói.

Phải gấp rút cải cách thủ tục hành chính

Tham gia hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng ghi nhận những bước tiến trong cải cách quy trình kê khai, nộp thuế; văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ của cán bộ công chức thuế đã chuyển biến tích cực, văn minh, lịch sự... Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, theo bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), một cuộc điều tra vừa qua cho thấy có tới 86% doanh nghiệp cho rằng các cơ quan thuế phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn.

Từ những than phiền của doanh nghiệp cùng với tham vọng mà Chính phủ đề ra, bà Lan Anh đã thẳng thắn đề xuất cần cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ, xuất nhập khẩu, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; giảm 10% chi phí thủ tục hành chính; điện tử hóa các thủ tục, áp dụng rộng rãi các thông lệ quốc tế; kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan và tổ chức quản lý.

Đặc biệt, bà Lan Anh cũng khuyến nghị phải đạt được mức trung bình ASEAN 4 trên 3 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế; tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận đất đai, vốn; chính sách khuyến khích thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm.

Riêng với Bộ Tài chính, bà Lan Anh cho rằng cần thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, tối thiểu phải đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế, hoàn thuế; công khai dữ liệu về hoàn thuế, đảm bảo 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời hạn quy định của pháp luật, công khai minh bạch các quy định của Luật Quản lý thuế...và trình Chính phủ ban hành Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế trong năm 2016.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thu-tuc-ve-thue-van-lam-nhuc-dau-doanh-nghiep-36031.html