Thủ tục thuế, hải quan vẫn làm khó doanh nghiệp

Ghi nhận nỗ lực của ngành thuế, hải quan trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, tuy nhiên các doanh nghiệp phản ánh còn nhiều quy định phiền hà, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí sản xuất kinh doanh. Ngày 21.3, theo quyết định được UBND TP.HCM ban hành, hệ số điều chỉnh giá đất được áp dụng tùy theo từng nhóm đối tượng và tùy theo từng khu vực địa bàn quận, huyện và các yếu tố làm tăng, giảm giá đất.

Thủ tục thuế, hải quan đã bớt phiền hà nhưng chưa thực sự thuận lợi - Ảnh: Ngọc Thắng

Ghi nhận nỗ lực của ngành thuế, hải quan trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, tuy nhiên tại phiên đối thoại sáng 28.11, đại diện các doanh nghiệp phản ánh còn nhiều quy định phiền hà, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí sản xuất kinh doanh.

Hội nghị đối thoại được Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp (DN). Báo cáo của ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho thấy từ đầu năm đến nay số thủ tục hành chính thuế đã được chuẩn hóa và cắt giảm từ 385 xuống còn 300 thủ tục; 100% các địa phương trên cả nước đã thực hiện khai thuế điện tử đối với DN; Tổng cục Thuế đã ký thỏa thuận với 45 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương... Nhờ đó đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế (từ 537 xuống còn 117 giờ).

Đã cắt giảm vẫn còn phiền hà

“Với những nỗ lực nêu trên, theo đánh giá kết quả trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016 do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội của VN đã tăng 11 bậc, từ vị trí 178 lên 167 trong tổng số 189 quốc gia được đánh giá”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết thêm. Đồng thời bà cũng cam kết trước hàng trăm DN, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế, hải quan.

Tuy nhiên, đại diện tiếng nói của các DN, Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết dù đã có những cải cách mạnh mẽ nhưng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: chậm quyết toán thuế để thực hiện giải thể; thời gian từ khi ban hành chính sách tới khi có hiệu lực thi hành thường ngắn; công tác tập huấn còn hạn chế dẫn tới DN không kịp cập nhật và không đủ thời gian điều chỉnh hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Phòng, công nghệ thông tin của ngành thuế, hải quan đôi khi chưa theo kịp yêu cầu. Tình trạng thông báo thuế sai vẫn còn xảy ra do lỗi hệ thống phần mềm gây khó khăn trong quá trình thực thi, tạo rủi ro cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. “Đôi lúc, ở một vài nơi, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ công chức ngành thuế vẫn khiến doanh nghiệp e ngại…”, ông Phòng nói.

Đối với ngành hải quan, ba nhóm thủ tục được các DN đánh giá phiền hà nhất là giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan. Đặc biệt, thời gian giải quyết quá dài và yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết… Ngoài ra, còn bất cập do thiếu đồng bộ giữa chữ ký số và yêu cầu thực tế khi phải hoàn chỉnh hồ sơ hải quan; việc kiểm tra sau thông quan vẫn còn kéo dài, chồng chéo, gây mất thời gian của DN…

Một tờ khai đi lại 6 tháng trời

Đại diện Công ty Đá Thạch Anh cao cấp LPD phản ánh công ty có nhập dây chuyền độc quyền của Ý phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, nhưng lại không khớp với tiêu chuẩn VN nên phải tái xuất hàng. “Trong năm 2016, chi phí tái xuất của LPD chiếm 40% chi phí nhập khẩu của DN. Chúng tôi đề xuất cơ chế để DN được miễn kiểm, hoặc công nhận tiêu chuẩn của nước ngoài”, đại diện này đề nghị và cho biết thêm, mỗi lần tái xuất DN bị phạt vi phạm hành chính, số tiền lần sau cao hơn lần trước, ảnh hưởng lớn đến DN. LPD kiến nghị lãnh đạo Bộ Tài chính có thể xem xét xóa bỏ hình phạt.

Đáp lại, ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết về vấn đề DN có được miễn kiểm, hoặc công nhận tiêu chuẩn của nước ngoài như LPD kiến nghị, lĩnh vực này thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học - Công nghệ. Tổng cục Hải quan đã có công văn trao đổi, vấn đề này đang được giải quyết trong các cơ chế, giải pháp và trong kiểm tra chuyên ngành.

Đối với kiến nghị xóa bỏ hình phạt hành chính đối với DN, theo ông Vũ Ngọc Anh, tất cả hành vi được quy định trong luật dù muốn hay không thì DN đều phải tuân thủ. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan tiếp thu kiến nghị của DN và sẽ kiến nghị lên Chính phủ để có thể sửa đổi.

Đại diện Công ty CP ô tô Trường Hải cho biết trong quá trình sửa chữa, công ty nhập thân và vỏ máy về sửa cho khách hàng. Việc chuyển đổi này phải cung cấp tờ khai để hải quan xác nhận. “Chỉ một tờ khai mà DN phải đi đi lại lại tới 6 tháng trời. Bộ Tài chính đã có chính sách rất mở thì nên thông suốt tới các ban ngành để tạo thuận lợi cho DN”, đại diện công ty này đề nghị.

Liên quan đến phản ánh này, ông Vũ Ngọc Anh trích dẫn một số điều khoản và khẳng định việc sử dụng chứng từ điện tử đã có những quy định cụ thể được ban hành. Do câu trả lời chưa thấu đáo nên Thứ trưởng Vũ Thị Mai giải thích thêm, việc sử dụng tờ khai hải quan đã có chính sách cụ thể nhưng nếu trong quá trình thực hiện, đơn vị thực hiện đòi hỏi thêm giấy tờ xác nhận tại cơ quan hải quan dù đã có chính sách và văn bản hướng dẫn thì cần phải xem xét để tránh tình trạng gây khó khăn cho người dân khi đi làm thủ tục. “Về trường hợp này, chúng tôi giao trách nhiệm cho cơ quan hải quan xem xét và làm việc để tránh những trường hợp tương tự và để phục vụ tốt hơn cho DN”, bà mai cam kết.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết đã có 16 ý kiến với gần 30 câu hỏi được giải đáp liên quan đến chính sách thuế, hải quan và cải cách thủ tục hành chính. Bà Mai cũng yêu cầu Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế và hải quan, luân chuyển cán bộ… để có thái độ phục vụ DN ngày càng tốt hơn.

Tiêu Phong

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/thu-tuc-thue-hai-quan-van-lam-kho-doanh-nghiep-769355.html