Thứ trưởng Ngoại giao trả lời báo chí về kết quả Hội nghị ngoại giao 29

Hội nghị ngoại giao lần thứ 29 đề ra Chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Bế mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí về kết quả Hội nghị ngoại giao 29. Ảnh: VGP/Hải Minh

Trả lời báo chí về ý nghĩa và kết quả Hội nghị ngoại giao lần thứ 29, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị ngoại giao đã thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, đặc biệt nhận được sự quan tâm cao nhất của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chỉ đạo tại hội nghị, nêu rõ những bài học kinh nghiệm của ngoại giao Việt Nam trong thời gian qua và đưa ra những nhiệm vụ chiến lược mà ngành ngoại giao phải đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Hội nghị đã đi sâu trao đổi, nhìn lại chặng đường 3 năm qua kể từ Hội nghị ngoại giao 28 (năm 2013) đến nay, đánh giá những chuyển biến đã đạt được, trên cơ sở đó đề ra những nhóm giải pháp để thực hiện những nhiệm vụ mà Lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao cho ngành ngoại giao.

Cùng với Hội nghị ngoại giao 29, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị Ngoại vụ địa phương với sự tham gia của lãnh đạo các địa phương trong cả nước, với mục đích trao đổi những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại tại địa phương nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, kết quả lớn nhất của hội nghị lần là ngành ngoại giao sẽ đưa ra Chương trình hành động cụ thể trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân, công tác thông tin đối ngoại… nhằm phục vụ tốt nhất cho hai nhiệm vụ chiến lược là góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho sự nghiệp phát triển đất nước và kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Về phương hướng công tác của ngành ngoại giao trong thời gian tới, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định ngành ngoại giao sẽ tiếp tục bám sát những chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như Nghị quyết của Đại hội Đảng XII, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính.

Thứ nhất là nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia trên trường quốc tế. Đây là một trong hai nhiệm vụ chiến lược, lâu dài xuyên suốt của ngành ngoại giao. Chúng ta phải tạo được thế đứng vững chắc trên trường quốc tế, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền lợi ích quốc gia.

Một trong những xu thế lớn trên thế giới hiện nay là vừa hợp tác vừa đấu tranh, vì vậy chúng ta cần tận dụng tối đa, tranh thủ được những điểm tương đồng giữa Việt Nam với các nước, trên cơ sở đó đẩy mạnh hợp tác, giảm đi những mặt còn khác biệt.

Thứ hai là công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà đồng chí Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành ngoại giao.

Hội nghị đã đi sâu trao đổi và đề ra những biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, trong đó cần phát huy vai trò của mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường công tác nghiên cứu, nắm bắt thông tin và dự báo tình hình diễn biến kinh tế thế giới, kịp thời đưa ra những kiến nghị đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế-xã hội.

Đồng thời, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài như đầu tư, ODA, khoa học công nghệ, giáo dục… Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài cần phối hợp với các bộ, ngành mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng...

Một nhiệm vụ quan trọng nữa của ngoại giao kinh tế, đó là góp phần thúc đẩy hội nhập vào các thiết chế kinh tế đa phương, mở rộng quan hệ đối tác, phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ngành ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương tạo ra môi trường tốt nhất để các địa phương, doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia hiệu quả vào hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xây dựng ngành ngoại giao kiến tạo, phục vụ phát triển.

Tuấn Dũng

Share on Tumblr

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-bo-nganh/thu-truong-ngoai-giao-tra-loi-bao-chi-ve-ket-qua-hoi-nghi-ngoai-giao-29/285150.vgp