Thứ trưởng Bộ Tài chính: ''Từ nay, tôi đi làm bằng taxi''

Thay vì bước xuống từ xe biển xanh, Thứ trưởng Chí đi làm bằng taxi, còn Thứ trưởng Hải tự đi bằng xe cá nhân.

Sáng 3/10, thay vì có xe biển xanh đưa đón, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí đi làm bằng taxi.

Tương tự, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, Vũ Thị Mai, Trần Xuân Hà, Trần Văn Hiếu cũng bước xuống sảnh Bộ từ những chiếc ôtô biển trắng, trong đó có xe do họ tự lái và những chiếc xe được thuê theo tháng của đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải...

Trao đổi với báo chí, một vị Thứ trưởng cho biết, ông và các đồng nghiệp rất ủng hộ chủ trương này và bản thân mình đã mua hai thẻ taxi trả trước (mỗi thẻ 5 triệu đồng) qua một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đưa đón.

Với chức danh và quãng đường từ nhà đến nơi làm việc, ông được khoán chi phí đưa đón khoảng 7 triệu đồng.

Một Thứ trưởng Bộ Tài chính chủ động ký hợp đồng thuê xe đưa đón với công ty vận tải tư nhân theo hình thức mua thẻ trả trước. Ảnh VNE

Cùng với đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn vui vẻ nói: "Tôi không biết lái xe nên từ nay tôi sẽ đi làm bằng taxi".

Ông Tuấn cho biết thêm: "Với những sự kiện, các cuộc hội họp và những chuyến công tác phát sinh khác thì vẫn có tài xế đến tận nhà để đưa đón, chính sách mới chỉ áp dụng với tuyến đường hàng ngày từ nhà lên cơ quan và ngược lại".

Được biết, cụ thể, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí và Thứ trưởng Trần Xuân Hà sẽ có mức khoán kinh phí sử dụng là 9,9 triệu đồng/tháng (với số km khoán tương đương là 15 km/lượt).

Thứ trưởng Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Trần Văn Hiếu được áp dụng mức kinh phí sử dụng xe công là 5,28 triệu đồng, tương đương với số km đi là 8 km/lượt.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí đi làm bằng taxi

Chỉ có Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải được áp dụng mức khoán thấp nhất với số tiền 3,96 triệu đồng do khoảng cách đi lại là 6 km/lượt.

Trước đó, ngày 21/9, Bộ Tài chính đã có quyết định khoán kinh phí sử dụng xe ôtô đưa đón lãnh đạo trong đó đơn giá được tính theo giá cước của các hãng taxi.

Cụ thể, mức khoán được tính bằng đơn giá khoán nhân (x) số km x 2 lượt x số ngày làm việc. Ngoài ra, số km khoán là khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc; số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ Luật Lao động (22 ngày).

Tại một cuộc họp báo chuyên đề về tài sản công mới đây, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính cũng cho biết, cơ chế được bộ ban hành còn việc tự túc đi lại như thế nào sẽ do cá nhân các lãnh đạo cân đối dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng người.

Là cơ quan Nhà nước đi đầu về cơ chế khoán xe công cho Thứ trưởng và Tổng cục trưởng, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình khoán xe và tính toán sao cho phù hợp với thực tiễn tình hình.

Sau khi có đánh giá đầy đủ, Bộ này dự kiến sẽ mở rộng diện khoán xe. Cụ thể, để tiết kiệm và hiệu quả, có thể sẽ tính đến khoán cả kinh phí sử dụng xe cho cả đi công tác, đi họp hành.

Trước việc làm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý chi tiêu công và tài sản công đã nêu gương đi đầu trong vấn đề thực hiện cơ chế này là một việc hết sức quan trọng.

Đây sẽ là một tấm gương lớn, có tác động tích cực và" hiệu quả hơn rất nhiều so với việc một Bộ nào khác triển khai.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, tôi nghĩ rằng, động thái này của Bộ Tài chính có thể ví như một bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, hướng đến việc thay đổi một cách cơ bản tư duy trong quản lý tài sản công cũng như chi tiêu công", ông Ánh nói rõ.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thu-truong-bo-tai-chinh-tu-nay-toi-di-lam-bang-taxi-3319999/