Thứ trưởng Bộ Nội vụ: 'Bổ nhiệm sai nếu bị xử lý, đưa ra công khai sẽ là bài học để tránh'

Trả lời câu hỏi của báo điện tử Một Thế Giới, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng việc bổ nhiệm sai khi bị phát hiện, bị xử lý và công bố công khai thì sẽ là những bài học cho các cơ quan, tổ chức khác tránh không vướng vào các sai phạm tương tự.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trả lời báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.2016 - ảnh Trí Lâm

Báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực là người thân, trong gia đình; bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ...

“Tại Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hải Dương tất cả 46 người nhưng có tới 44 lãnh đạo, chỉ có 2 chuyên viên. Thực trạng này gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng nói chung và phòng chống tham nhũng trong công tác cán bộ nói riêng”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, luật hiện hành chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Do đó, nhiều địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn “đúng quy trình”.

Do đó, các cử tri đề nghị Nhà nước cần tổ chức nghiên cứu, tham khảo và có quy định nhằm ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm lãnh đạo tại một địa phương hoặc cơ quan, dẫn đến dễ câu kết nhau để tham ô, nhũng nhiễu. Đồng thời cử tri yêu cầu cần trọng dụng nhân tài, vừa tránh tính trạng lạm quyền để trục lợi trong công tác cán bộ.

Trả lời báo điện tử Một Thế Giới bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10.2016 về việc các địa phương bắt chước nhau bổ nhiệm hàng loạt người thân vào bộ máy chính quyền, bởi hiện nay quy định của pháp luật chưa cấm việc bổ nhiệm người thân, các địa phương chỉ cần hợp thức hóa cho “đúng quy trình” là xong, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng những việc làm sai khi bị phát hiện, bị xử lý và công bố công khai sẽ có tác dụng là những bài học cho các cơ quan, tổ chức khác tránh để không vướng vào các sai phạm tương tự.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng khẳng định với báo chí sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện sai sót Bộ Nội vụ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo ông Tuấn, trước hết, phải thực hiện theo đúng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong việc bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quản lý thuộc phạm vi mình phụ trách đối với một số vị trí thôi. Còn việc hoàn thiện để tránh việc bổ nhiệm người nhà, người thân phải đảm bảo việc bổ nhiệm đúng quy định của pháp luật trong đó có cả pháp luật về phòng chống tham nhũng và phải theo quan điểm như Thủ tướng đã nói là tìm người tài, không tìm người nhà.

Theo ông Tuấn, công tác cán bộ là tuyển chọn những người vào làm việc trong cơ quan, tổ chức được thực hiện theo nguyên tắc ai có đủ đức, đủ tài thì đều được sử dụng và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đề cập đến câu trả lời “đúng quy trình” của người đứng đầu mỗi khi dư luận phản ánh về tình trạng bổ nhiệm hàng loạt người thân vào bộ máy chính quyền, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng câu trả lời đó không sai nhưng chưa đầy đủ, dễ khiến dư luận không thỏa mãn.

Thứ trưởng Nội vụ cho rằng việc lựa chọn nhân sự để bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý là phải tiến hành đúng quy trình, thủ tục được pháp luật quy định, tuy nhiên, chỉ vậy là chưa đủ mà đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, lựa chọn nhân sự đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện, đúng thẩm quyền và tuân thủ các quy định khác...

Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, phải dân chủ, khách quan, công bằng, chất lượng và thực hiện những điều cấm không được làm liên quan đến người thân, gia đình khi thực hiện bổ nhiệm (quy định tại pháp luật về phòng chống tham nhũng).

Cụ thể, điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định “người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh chị em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán-tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”.

Thanh tra đột xuất Sở Lao động – Thương binh - Xã hội Hải Dương

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng thông tin đến báo chí một số vấn đề liên quan đến thông tin 44/46 người ở Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Hải Dương làm lãnh đạo cấp phó phòng trở lên, chỉ 2 người làm nhân viên.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết Bộ Nội vụ ban hành quyết định số 672 ngày 24.10.2016 để tiến hành thanh tra đột xuất tại Sở Lao động - thương binh - Xã hội Hải Dương, thời hạn thanh tra trong 45 ngày, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nội dung thanh tra là việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức, bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo cấp phòng, số lượng phó trưởng phòng và việc ký hợp đồng làm công tác chuyên môn tại cơ quan này.

Trên cơ sở đó đánh giá những việc thực hiện bổ nhiệm cán bộ công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý xem có đúng các quy định của pháp luật không. Căn cứ vào từng vụ việc một, mức độ, tính chất vi phạm đến đâu thì sẽ kiến nghị với các cơ quan xem xét xử lý đến đó".

Về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong vấn đề này, ông Tuấn cũng cho biết, trước mắt Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra đối với các vụ việc mà báo chí đã nêu, không chỉ riêng với Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Hải Dương mà còn ở một số bộ, ngành và địa phương khác.

Ông Tuấn cũng cho hay Bộ Nội vụ đang tiến hành rà soát lại Luật Công chức để sửa đổi, bổ sung để quản lý chặt chẽ, khắc phục những vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ.

Trí Lâm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/thu-truong-bo-noi-vu-bo-nhiem-sai-neu-bi-xu-ly-dua-ra-cong-khai-se-la-bai-hoc-de-tranh-46261.html