Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh: Tăng vốn nhưng không tăng lạm phát

Tất cả những giải pháp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô đã được tính toán rất kỹ. Sẽ không lo lạm phát tăng dù chúng ta có "bơm” tiền ra thị trường vào thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Cao Viết Sinh đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.

Tất cả những giải pháp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô đã được tính toán rất kỹ. Sẽ không lo lạm phát tăng dù chúng ta có "bơm” tiền ra thị trường vào thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Cao Viết Sinh đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.

Hiện nhiều ý kiến tỏ ra khá lo ngại với những chỉ số phát triển của kinh tế Việt Nam. Với vai trò tham mưu cho Chính phủ về những chính sách vĩ mô, Bộ KH&ĐT nhận định thế nào về kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay?

Ông Cao Viết Sinh

Chúng ta đang phải đối mặt với khá nhiều nỗi lo, nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế xã hội hiện đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng. Có thể nói, nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành và doanh nghiệp, đặc biệt là những kết quả bước đầu của các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 13 của Chính phủ nên khó khăn trong sản xuất công nghiệp đã từng bước được tháo gỡ. Cụ thể, hàng tồn kho có xu hướng giảm dần, thị trường trong nước tiếp tục có chuyển biến với tốc độ tăng trưởng khá cao… Đối với một số điểm đáng lo hiện nay thì vẫn là nỗi lo về tăng trưởng kinh tế, khi chỉ số phát triển công nghiệp vẫn rất thấp, khu vực doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sức mua thị trường trong nước thấp, chỉ số tồn kho tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao… Tuy nhiên, so với khó khăn chung của thế giới nhiều chuyên gia đánh giá kinh tế Việt Nam có bước phát triển vững chắc.

Thưa ông, liệu có phải chúng ta lo không đạt được mục tiêu tăng trưởng nên Chính phủ đã quyết định cho ứng thêm vốn đầu tư từ năm 2013 sang? Bơm vốn ra thị trường vào thời điểm này có làm tăng lạm phát không, thưa ông?

Chủ trương ứng vốn lần này không gây ảnh hưởng đến lạm phát do không liên quan đến việc đưa thêm tiền vào trong lưu thông. Đồng thời, quy mô ứng vốn lần này không lớn, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu nền kinh tế đang suy giảm thì việc ứng vốn như vậy cũng chưa bù được tổng cầu.

Chúng ta cũng thấy là tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian qua chuyển biến đúng hướng, nhưng đà phát triển lại rất chậm. Đặc biệt nổi lên là khó khăn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, do chúng ta thắt chặt đầu tư công, thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, nên tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế giảm… Mặt khác, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm so với các năm trước; đến nay tiến độ giải ngân các dự án ODA cũng chậm so với yêu cầu, chủ yếu do thiếu vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm…

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Chính phủ chủ trương ứng trước vốn từ ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ dành cho năm 2013 cho một số dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Theo đó, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất việc cho ứng trước kế hoạch vốn đầu tư năm 2013 đối với các công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012, 2013 với số tiền 30 nghìn tỷ đồng.

Về vấn đề lạm phát, theo tôi không lo ngại. Chính phủ luôn xác định kéo lạm phát xuống dưới 1 con số là nhiệm vụ hàng đầu. Ngay ở thời điểm tháng 7 lạm phát âm (-) 0,29% so với tháng trước thì vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước là 5,35%, và tăng 2,22% so với tháng 12-2011. Bình quân chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng đầu năm tăng 11,2 so với cùng kỳ năm 2011 là mức còn khá cao, chứ không phải lạm phát mới qua 2 tháng giảm mà Chính phủ chủ quan. Giả sử lạm phát có tăng trở lại trong tháng 8 và các tháng cuối năm cũng đã nằm trong kế hoạch cả rồi.

Ông vừa khẳng định khoản tiền ứng trước không nhiều nhưng rõ ràng khi ban hành Nghị quyết 11, Chính phủ có yêu cầu không ứng vốn và đây cũng được xem như một trong những tiêu chí để tái cơ cấu đầu tư công?

Cùng với việc ban hành Nghị quyết 11 thì để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu đầu tư công, chỉ thị 1792 đã được ban hành có đề ra các nguyên tắc như: tập trung, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành, có khả năng hoàn thành trong năm 2012 và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Hạn chế tối đa việc bố trí vốn cho các dự án khởi công mới. Lần ứng vốn này cũng không nằm ngoài các nguyên tắc đó, chỉ thực hiện ứng trước cho các dự án hoàn thành trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, không ứng trước cho các dự án khởi công mới. Việc ứng vốn chủ yếu là cho các dự án đã qua rà soát theo Chỉ thị 1792.

Như vậy, lần ứng vốn này cũng góp phần tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao hiệu quả các dự án, phấn đấu dự án nhóm C hoàn tất trong 2 đến 3 năm, nhóm B trong 4 đến 5 năm.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Lục Bình (Thực hiện)

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=54632&menu=1366&style=1