Thứ trưởng Bộ Công thương: Quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam là nhất quán

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ Việt Nam là nhất quán. Do đó, dù TPP có được thông qua hay không, Tổng thống Mỹ là ai thì Việt Nam vẫn phải làm công việc của mình là cải cách kinh tế và phát triển bền vững.

Chuyên môn hóa từng công đoạn sản phẩm

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Việt Nam vẫn gia tăng xuất khẩu tăng 7,9% trong 2015 và 7% trong 9 tháng năm 2016, trong khi các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc xuất khẩu thậm chí âm trong thời gian qua do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới.

Để có giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu buộc phải tham gia vào chuỗi giá trị. Do đó, Việt Nam sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, sẽ tập trung vào sản xuất từng công đoạn của sản phẩm mà hiện nay chưa thực hiện được.

Chẳng hạn, tập đoàn Samsung, tại Việt Nam có hơn 100.000 lao động trên 300.000 lao động trên toàn thế giới. Những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hầu như nhập khẩu từ Hàn Quốc, Việt Nam đang thương lượng để các doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp nguyên liệu cho Samsung để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phát huy thế mạnh của từng địa phương, chẳng hạn các tỉnh, thành phố có thể mạnh về cơ khí luyện kim, dệt may, da giày, chế biến nông lâm thủy sản… thì đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực này.

Một vấn đề trong phát triển là đẩy mạnh sự phát triển của khoa học công nghệ. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là của cả thế giới.

Vấn đề của Việt Nam là có tới 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (SME) nên tài chính hạn chế. Nếu muốn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mạnh vào công nghệ là bài toán khó. Chính phủ Việt Nam cũng hỗ trợ bằng cách đào tạo cho các doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng phát triển của công nghệ thế giới. Bên cạnh đó, các ngân hàng trong nước cũng có chính sách hỗ trợ lãi suất giúp các doanh nghiệp Việt đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Về vấn đề an ninh năng lượng là sự sống còn của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam phát triển nhưng vẫn đảm bảo về môi trường. Do đó, Việt Nam khuyến khích đầu tư vào phát triển năng lượng sạch như: điện gió, điện mặt trời. Trong 5-10 năm tới Việt Nam vẫn đủ năng lượng, điện cho sản xuất, tiêu dùng. Việt Nam tạo điều kiện về năng lượng để các nhà đầu tư đảm bảo sản xuất kinh doanh của mình. Việt Nam đang có kế hoạch nhập khẩu than, kế hoạch dài hạn đến 2020 -2030 sẽ nhập than từ Úc, Nam Phi…

Một thực tế đáng quan tâm là số lượng SME trong ngành thương mại và công thương còn nhiều và Chính phủ giao cho ngành công thương phải cổ phần hóa hết các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối.

Việt Nam đã đưa ra lộ trình thoái vốn Nhà nước tại các công ty trong tháng 12/2016, kể cả tại các công ty đã mang lại rất nhiều lợi ích cho Nhà nước như : Sabeco, Habeco, thậm chí là Vinamlik. Việc thoái vốn sẽ được thực hiện khẩn trương theo đúng lộ trình đã đề ra.

Hội nhập kinh tế quốc tế là nhất quán

Đến nay, Việt Nam đã gia nhập các diễn đàn kinh tế đa phương như: AEC (Cộng đồng kinh tế chung ASEAN), WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), TPP (Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương)…

Việt Nam đang có 10 FTA (Hiệp định thương mại tự do song phương) đi vào hiệu lực, 01 FTA chưa có hiệu lực và đang đàm phán 04 FTA. Việc tham gia TPP là bước đi chủ động hơn trong thương mại của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng TPP được ký kết làm sâu sắc hơn quá trình đổi mới của Việt Nam.

Nếu TPP chưa được phê chuẩn thì không ảnh hưởng đến chính sách nhất quán đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Chưa có TPP, Việt Nam đã chú trọng và thúc đẩy thưng mại với nhiều nước trên thế giới như các Hiệp định thương mại đã được ký kết ở trên. Dù là ai là Tổng thống Mỹ thì Việt Nam vẫn phải làm những công việc của mình.

Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương cao nhất của Việt Nam. Việt Nam hết sức nghiêm túc và thực hiện các điều khoản đã ký kết. TPP là hiệp định thương mại tự do có tác động lớn và Việt Nam tuân thủ những gì cam kết về phía Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu các địa phương có chuẩn bị tốt để hội nhập TPP. Ngay Bộ Công Thương cũng có chương trình phổ biến kiến thức về TPP cho các đối tượng thực thi TPP.

Hoàng Anh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/thu-truong-bo-cong-thuong-quan-diem-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-cua-viet-nam-la-nhat-quan-2158398.html