Thử tên lửa hạt nhân, nhưng Nga không thống trị thế giới

Reuters ngày 28/10 (giờ VN) dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin nói như thế tại phiên họp toàn thể cuối cùng của "Câu lạc bộ quốc tế Valdai" vốn đã diễn ra trong 3 ngày qua tại thành phố Sochi của Nga.

Trước đây, Quốc hội Nga đã chuẩn thuận cho Putin động binh, và ông đã làm thế: gửi tàu chiến và tàu ngầm qua Syria. NATO cũng đã làm như Nga: đưa thêm quân và vũ khí sang các nước Đông Âu và vùng biển Baltic. Trong phát biểu của mình, Putin nhấn mạnh rằng Nga đã học được cách tôn trọng bản sắc dân tộc, tự do và nền độc lập: "Chúng tôi không có tham vọng thống trị toàn cầu, hoặc mở rộng bờ cõi hay đối đầu với bất cứ quốc gia nào. Nga hiểu chính xác vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế".

Khi đề cập đến vấn đề nóng bỏng Syria, Putin nói Nga cần kế hoạch Marshall cho Syria, nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt trái phép nhằm vào Syria sẽ làm tổn hại người dân của quốc gia Trung Đông này và không có sự lựa chọn nào khác ngoài giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến của Syria. Truyền thông địa phương đưa tin ngày 28/10, lực lượng phe nổi dậy ở tAleppo đã tiến hành cuộc phản công quy mô lớn nhằm vào các vị trí của quân đội chính phủ Syria, kết hợp với việc bắn tên lửa Grad và đánh bom xe. Theo đó, nhóm Ahrar-al Sham do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, nhóm Jaish al-Fateh (Đội quân Chinh phạt) và nhóm Đội quân Nổi dậy đã mở chiến dịch phản công quy mô lớn với tên gọi "Bản sử thi Aleppo vĩ đại", nhằm phá vỡ vòng vây của quân đội chính phủ ở những khu vực do lực lượng nổi dậy chiếm giữ ở phía Đông thành phố Aleppo.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-18 (Ảnh Reuters).

Putin cũng đề cập đến việc Nga thử thành công đầu đạn lượn siêu thanh cho tên lửa liên lục địa RS-18, còn được gọi là "Vật thể 4202". Báo chí Nga ngày 28/10 dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết thông tin trên. Vụ phóng thử được tiến hành hôm 25/10 tại một thao trường ở Orenburg, miền Tây nước Nga, với đầu đạn bay tới trường bắn Kura thuộc bán đảo Kamchatka (vùng Viễn Đông).Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, đây không phải một vụ phóng kiểm tra thông thường mà nó được dùng để thử nghiệm đầu đạn siêu thanh mới và được cho là có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Hiện chỉ có một vài nước trên thế giới đang phát triển công nghệ đầu đạn lượn siêu thanh này. Mỹ đã hai lần thử nghiệm thành công thiết bị HTV-2, trong khi Trung Quốc từng thử nghiệm đầu đạn sử dụng công nghệ tương tự vào năm 2014. Ấn Độ cũng đang nghiên cứu công nghệ bay siêu thanh. "Vật thể 4202'' có thể được lắp trên tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới RS-28 của Nga. Các chuyên gia quân sự dự đoán rằng mỗi tên lửa RS-28 sẽ mang được 3 đầu đạn siêu thanh.

Tên lửa Topol – M cũng nguy hiểm như RS-18 (Ảnh Reuters).

Một loại tên lửa xuyên lục địa kiểu mới khác, cũng được Nga phát triển mang đầu đạn nhiệt hạch nặng 100 tấn có thể quét sạch một diện tích bằng với nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ. Đó là RS-28 Sarmat hay còn gọi là “Satan 2” - tên lửa xuyên lục địa được thiết kế để thay thế tên lửa chiến lược RS-36M mà NATO gọi là “Satan” sau khi nó được đưa vào sử dụng vào thập niên 1970. Tháng 8/2016, Nga đã thử nghiệm động cơ giai đoạn đầu PDU-99 của tên lửa RS-28 Sarmat. Trước đó, vào tháng 4/2016, đầu đạn siêu thanh của RS-28 Sarmat cũng đã được thử nghiệm. Dự kiến, RS-28 Sarmat sẽ được biên chế vào cuối năm 2017.

Theo cựu chuyên gia vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Năng lượng Mỹ Robert Kelley, RS-28 Sarmat có tầm bắn vượt 11.000 km, và uy lực nổ tương đương với “người anh em” RS-36M, nhưng RS-28 Sarmat sẽ được cải thiện về tính linh hoạt và tính chính xác, nhất là khả năng đánh trúng mục tiêu.

Tường Quyên (Theo Reuters, 10/2016)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/thu-ten-lua-hat-nhan-nhung-nga-khong-thong-tri-the-gioi-d48882.html