Thu Phương bị Phú Quang chê khi hát ca khúc về mùa đông

Thể hiện ca khúc "Nỗi nhớ mùa đông", Thu Phương nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng chính tác giả bài hát lại không hài lòng.

Chương trình Giai điệu tự hào tháng 11 Nỗi nhớ mùa đông là chuỗi những ca khúc về mùa đông đi qua các thời kỳ lịch sử.

Mùa đông những năm 1946 – 1949 có 2 ca khúc được nhiều người yêu thích là Áo mùa đông (Đỗ Nhuận) và Quê hương anh bộ đội (Xuân Oanh).

Trong chương trình, nhóm 5 Dòng Kẻ đưa khán giả trở về với miền ký ức qua ca khúc Áo mùa đông. Phần âm nhạc dạo đầu được trau chuốt bởi các bè guitar nền cùng tiếng solo réo rắt mang âm hưởng dân gian, thu hút sự chú ý của người nghe.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ: “Âm nhạc trong ca khúc này của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã trộn vào đó cái hồn Việt. Bài hát này đã mở đầu dòng nhạc sĩ trữ tình thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây cũng là thành công lớn nhất của nhạc sĩ”.

Bài hát Quê hương anh bộ đội được giao Vũ Thắng Lợi. Nam ca sĩ thể hiện không quá khác biệt về âm hưởng. Nhưng bài hát vẫn có nét hiện đại với những đoạn chuyển, giúp những người nghe trẻ tuổi có thể cảm nhận được ca khúc.

Nhạc sĩ Phú Quang - một trong những khách mời bình luận của chương trình.

Mùa đông năm 1972, Mỹ tuyên bố sẽ đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá. Trong căn gác nhỏ trên phố Hàng Bún, nhạc sĩ Phan Vũ chia sẻ kỷ niệm khi viết những câu thơ Em ơi! Hà Nội – Phố. Bài thơ ra đời vào những ngày, đêm Hà Nội bị đánh bom ác liệt. Nhưng phải đến 13 năm sau, một đoạn thơ trong bài thơ này được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.

Nhạc sĩ Phú Quang nghẹn ngào, bật khóc trong buổi ghi hình Giai điệu tự hào tháng 11: “Tôi coi Hà Nội như là cha mẹ mình, 2 năm xa Hà Nội tôi rất nhớ. Ca khúc Em ơi! Hà Nội – Phố được phổ nhạc chỉ sau 2 ngày khi anh Phan Vũ mang thơ qua cho tôi".

Ông kể thêm, sau khi thu âm xong bài hát Em ơi! Hà Nội – Phố, nhiều người nói họ không thể cho vào băng được, vì họ nghĩ viết về Hà Nội là phải ca ngợi, hào hùng. Nhưng đôi khi, tình yêu đích thực đâu phải lúc nào cũng cứ ồn ào.

Nhạc sĩ Phú Quang cho rằng, nếu người ta không biết yêu những điều bé nhỏ thì không thể yêu điều lớn lao. Phiên bản Em ơi! Hà Nội – Phố do ca sĩ Phương Anh trình bày được phối sang phong cách rock với sự dữ dội nhưng không làm mất đi tình cảm của tác giả dành cho mùa đông của Hà Nội.

Nỗi nhớ mùa đông được ca sĩ Thu Phương thể hiện.

Với ca khúc chủ đề Nỗi nhớ mùa đông, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ một kỷ niệm gắn mà ông nhớ mãi: “Nếu không có lời thơ của chị Thảo Phương, tôi cũng không có bài hát này. Chị ấy đã mất, tôi rất muốn tìm đến các con chị để gửi số tiền tác quyền của bài hát này”.

Nỗi nhớ mùa đông được ca sĩ Thu Phương thể hiện với những trải nghiệm cùng nỗi nhớ day dứt của chính chị sau bao năm xa quê. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho hay: “Bài hát này đẹp về mọi phương diện, nghe, nhìn đều rất đẹp. Mùa đông này không có một tí áo ấm nào, nhưng lại rất mùa đông. Vì nó đã trở thành nỗi nhớ”.

Ca sĩ Bảo Lan cũng đồng tình với ý kiến này, bởi với chị, cảm nhận về mùa đông ở bất kể không gian nào, hoàn cảnh nào, khi mình cảm thấy yêu thì chỉ cần chạm nhẹ cũng xúc động.

Tuy nhiên, bản thân tác giả của bài hát có phần không hài lòng, nhạc sĩ Phú Quang nhận xét: “Tôi đã nghe Thu Phương hát trong đĩa, rất xúc động. Gần đây, người ta có phong trào: Nếu không feeling không phải là ca sĩ xịn. Nhưng tôi thích sự dung dị. Ca sĩ với tôi, hát không được sửa nốt, Thu Phương feeling nên đã sửa thành một nốt khác”.

Nỗi nhớ mùa đông phát sóng vào lúc 20h10 ngày 26/11 trên kênh VTV1 với sự tham gia bình luận của nhạc sĩ Doãn Nho, Phú Quang, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhiếp ảnh gia Hữu Bảo, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà thiết kế Đức Hùng, nhà thơ Hoàng Anh Tú, nhà báo Thu Hà và ca sĩ Bảo Lan.

Tiến Dũng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thu-phuong-bi-phu-quang-che-khi-hat-ca-khuc-ve-mua-dong-post700137.html