"Thu phí giao thông sẽ làm vấn nạn ùn tắc thêm trầm trọng"

(GDVN) - "Thay vì không sử dụng xe những người có nhu cầu thực sự cho công việc của mình sẽ đóng phí, tiếp tục sử dụng xe, mua xe mới... như vậy thu phí giao thông không những không làm giảm mà sẽ làm kẹt xe thêm trầm trọng hơn", độc giả Nguyễn Thành Dương chia sẻ.

Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp, hiến kế...gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.

Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Nguyễn Thành Dương. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Những ngày qua câu chuyện xung quanh đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân được Bộ GTVT đề xuất áp dụng tại 5 đô thị lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng vẫn đang là vấn đề thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận. Và một câu hỏi được không ít người đặt ra, lí do của đề án là nhằm giảm lượng phương tiện cá nhân lưu thông trong nội đô tiến tới giảm ùn tắc giao thông liệu rằng có thực hiện được?.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Internet)

Từ thực tế sử dụng phương tiện và lưu thông trên đường, tôi xin khẳng định ngay rằng, với phí hạn chế phương tiện cá nhân này không những không làm giảm ùn tắc mà còn khiến cho vấn nạn kẹt xe trầm trọng hơn. Tại sao lại như vậy, tôi xin được đưa ra những ý phân tích như sau:

Trước hết, chúng ta nhận thấy rằng, với phương tiện ôtô, mức phí hạn chế phương tiện cá nhân dự kiến được Bộ GTVT đưa ra là từ 10 - 20 triệu đồng/ năm, tùy vào dung tích của xe. Với mức thu như vậy, chúng ta thấy rõ nó sẽ chia ra làm 2 thành phần:

Thành phần thứ nhất: là những người có nhu cầu thực sự với phương tiện ôtô, gần như hàng ngày phải sử dụng ôtô vào mục đích đi lại, kinh doanh, buôn bán, làm ăn...

Với nhóm đối tượng này thì số tiền phải bỏ ra để nộp mức phí hạn chế phương tiện cá nhân do Bộ GTVT đề xuất là không lớn so với lợi ích của việc sử dụng xe ôtô vào công việc mang lại. Hay nói rõ hơn là, thu nhập một tháng của họ có thể gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với việc khoản tiền phí chia ra hàng tháng phải nộp.

Cho nên, thay vì chuyển sang sử dụng phương tiện khác thì chắc chắn họ sẽ vẫn đóng phí và sử dụng xe bình thường. Như vậy, ở thành phần này, phí hạn chế phương tiện cá nhân không có tác dụng.

Thành phần thứ hai: là những người sau một thời gian dài làm ăn, kinh doanh, buôn bán, kể cả có chút tiền sau nhà nước tiến hành đền bù, thu hồi, giải phóng mặt bằng... mua một chiếc xe ôtô chỉ để cuối tuần chở cả gia đình về quê hoặc đi đâu đó chơi.

Tức là một tháng chiếc xe này chỉ lăn bánh trên đường khoảng 4 lần. Với thành phần này, thì khoản tiền phí phải bỏ ra nộp là khá lớn, làm cho nhiều người phải suy nghĩ, đắn đo và nó sẽ dẫn đến hai giải pháp

Thứ nhất, là bán xe, nhưng ai sẽ đứng ra mua lại xe của những người này vào thời điểm hiện tại. Đó chính là những người có nhu cầu thực sự cần đến xe để phục vụ cho công việc hàng ngày. Như thế, thay vì xe một tháng chỉ chạy 4 lần trên đường thì sau khi chuyển sang cho các đối tượng này sẽ thường xuyên di chuyển hơn, có thể 1 tháng chạy đủ 30 ngày trên đường.

Nếu vậy, thì ở đây thu phí không hề giúp giảm phương tiện mà chỉ giúp hoán đổi phương tiện từ người ít dùng sang người dùng nhiều và việc ùn tắc chắc chắn cũng không thể giảm được.

Cũng cần nói rõ hơn ở điểm này, tôi dám khẳng định rằng, những chiếc xe này, nếu có được bán thì cũng chỉ có thể bán được và sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam còn việc bán ra nước ngoài là không tưởng. Bởi lẽ, giá xe trong nước của chúng ta cao hơn nhiều so với các nước lân cận, thậm chí là Lào và Campuchia.

Thu phí hạn chế phương tiện cá nhân có thể giúp giảm kẹt xe? (Ảnh minh họa/ Internet).

Bạn có đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết này?

Đồng quan điểm Không thuyết phục Ý kiến khác

Thứ hai, là không bán xe nhưng phải tăng cường nhận hợp đồng chở khách hoặc cho thuê xe để nhằm mục đích thu hồi lại khoản tiền phải bỏ ra hàng tháng để nộp phí. Cũng như ở trên, tuy vẫn sở hữu chiếc xe này, nhưng thay vì sử dụng một tháng 4 lần thì chiếc xe này sẽ được lăn bánh trên đường nhiều hơn. Và như thế, phương tiện lưu thông sẽ không giảm mà lại còn tăng. Kẹt xe nhờ vậy cũng sẽ nghiêm trọng hơn...

Đối với phương tiện xe máy cũng như vậy, mức phí dự kiến là từ 500.000 - 1 triệu đồng/ năm thì chắc chắn việc giảm lượng phương tiện này là rất khó. Bởi lẽ, với nhu cầu đi lại và mức độ tiện lợi, cơ động trong di chuyển của loại phương tiện này ở các đô thị lớn, thì người dân sẽ chấp nhận đóng phí. Và khi đã đóng phí thì việc cho rằng người dân sẽ bán xe, không sử dụng xe nữa là điều hoàn toàn phí lí.

Thêm vào đó, ở các khu vực ngoại thành, liền kề các đô thị, những nơi mà người dân thường xuyên di chuyển hàng ngày vào trong khu vực nội đô để buôn bán, kinh doanh thì xe máy vẫn là phương tiện phổ biến của các gia đình.

Nếu tiến hành thu phí hạn chế phương tiện cá nhân thì chắc chắn họ sẽ nộp chứ sẽ rất khó để một người buôn rau, buôn thịt... chuyển từ xe máy sang đi xe buýt và mang các thứ đồ đó vào thành phố hoặc xách bộ hàng km để giao hàng... Như vậy, lượng phương tiện xe máy ở đây chắc chắn cũng sẽ không có chuyện giảm.

Khi mà nhiều người cho rằng, xe máy là phương tiện chủ đạo gây ra tình trạng tắc đường ở các đô thị lớn hiện nay, vậy mà ở đây lại không có chuyện giảm thì chắc chắn tắc đường cũng sẽ như vậy.

Tôi cũng xin được nhấn mạnh dù cho thu phí hạn chế phương tiện cá nhân thì một điều chắc chắc sẽ vẫn tiếp tục xảy ra, đó là trong khi tổng lượng phương tiện hiện tại không giảm, thì vẫn có một số người có nhu cầu thực sự, để phục vụ cho công việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán và kể cả những người có tiền... sẽ tiếp tục mua xe, đóng tiền phí và sử dụng.

Trong khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng đường sá ở các đô thị lớn còn nhiều điều phải bàn... thì việc thực hiện thu phí hạn chế phương tiện cá nhân theo đề án của Bộ GTVT như những gì mà tôi đã phân tích ở trên thì chẳng những không làm giúp giảm lượng phương tiện cá nhân tham gia lưu thông trong nội thành mà trái lại sẽ làm tình trạng kẹt xe thêm trầm trọng hơn.

Từ đó có thể thấy, việc Bộ GTVT đề ra phương án và lý giải cho phương án đã thiếu logic, có mâu thuẫn giữa tên gọi, mục tiêu và phương án thực hiện. Có lẽ, theo ý kiến chủ quan của tôi, việc giảm ùn tắc giao thông là mục tiêu sai mà mục tiêu đúng ở đây chỉ là hạn chế phương tiện cá nhân đăng ký mới. Vì thế, Bộ GTVT nên đổi tên đề án này thành thu phí hạn chế phương tiện cá nhân đăng ký mới và tiến hành thu sẽ hợp lý hơn.

Để bày tỏ quan điểm của mình và đóng góp ý kiến cho ngành giao thông, mời bạn đọc gửi bài viết về tòa soạn theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/ban-doc/phat-hien-la-thu-phi-giao-thong-se-lam-nan-un-tac-them-tram-trong/147986.gd