Thu phí công đoàn nên dựa vào mức lương thực tế

KTĐT - Chiều 25/5, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những điểm còn khác nhau trong dự thảo Luật Công đoàn, trong đó vấn đề lệ phí công đoàn được đề cập nhiều nhất với những luồng ý kiến khác nhau.

Nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật về nguồn thu của công đoàn bao gồm cả kinh phí do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng. Tuy nhiên, về mức đóng, ý kiến còn khác nhau, có ý kiến tán thành quy định mức đóng bằng 2% tổng quỹ lương thực tế trả cho người lao động; ý kiến khác đề nghị mức đóng bằng 2% tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời đề nghị quy định mức đóng tối đa bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể. Đại biểu Lê Thành Nhơn (Bình Dương) cho rằng: Dự thảo đã tiếp thu chỉnh nhiều, nhưng về mặt tài chính công đoàn, đây là yếu tố cần thiết để duy trì hoạt động. Nhưng kinh phí 2% thì đến 60% để lại cho công đoàn cơ sở, do đó việc thu phí dựa vào mức lương thực là cần thiết. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) kiến nghị: Nhiều đại biểu đã đề nghị Tổng LĐLĐ báo cáo kết quả tài chính của công đoàn và tài sản có liên quan đến ngân sách của công đoàn, nhưng hiện nay chưa có. Được biết, tổng kinh phí công đoàn trên 3.600 tỷ có dư khi chưa tăng lương, số tiền này rất lớn cần phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng quỹ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trong giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu đã đưa ra một điểm mới không quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên phải thành lập công đoàn. Bởi thực tế số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ có dưới 20 lao động chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp (trên 80% tổng số doanh nghiệp), do đó, nếu quy định chỉ những doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên phải thành lập công đoàn cơ sở là không phù hợp với thực tiễn. /.

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/news/detail/335036/thu-phi-cong-doan-nen-dua-vao-muc-luong-thuc-te.aspx