Thu phí BOT QL1 đoạn qua Hà Nam: Bỏ quên quyền lựa chọn của người dân

Theo nguyên tắc, việc đầu tư xây dựng đường BOT phải đảm bảo cho người dân có quyền được lựa chọn việc sử dụng phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình.

Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải, chạy theo thành tích đã khiến nguyên tắc này ngày càng xa vời và cảnh cứ ra đường là mất tiền đang ngày càng hiện hữu.

Cứ ra đường là mất tiền

Trong hoàn cảnh nguồn ngân sách còn gặp nhiều khó khăn thì việc đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, việc đầu tư theo kiểu tận thu, chỉ hướng đến lợi ích của các DN mà quên đi quyền lựa chọn, lợi ích của người dân đã và đang khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Trạm thu phí Liêm Tuyền trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Còn nhớ, từ giữa năm 2015, khi tuyến QL6 đoạn từ Hòa Bình – Xuân Mai hoàn thành nâng cấp mặt đường và bắt đầu thu phí, hàng trăm người dân, và lái xe liên tục vây trạm thu phí để phản đối về mức thu phí, vị trí đặt trạm. Và đến thời điểm này, sau hơn một năm bắt đầu thu phí, những mâu thuẫn trên vẫn chưa được xử lý triệt để gây bức xúc trong dư luận. Tiếp đó, đầu tháng 3/2016, dự án BOT cầu Việt Trì hoàn thành, những chiếc trụ bê tông được đặt để ngăn cản phương tiện đi qua cầu Việt Trì cũ, buộc phải sử dụng cầu Việt Trì mới với mức phí tối thiểu 35.000 đồng đối với ô tô...

Gần đây nhất, từ 0 giờ ngày 24/11, Công ty CP Đầu tư hạ tầng FCC sẽ thực hiện thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng QL1 đoạn tránh TP Phủ Lý, Hà Nam theo hợp đồng BOT. Trong đó, đoạn tránh TP Phủ Lý dài 23,3km, phần tăng cường mặt đường QL1 dài 20,1km. Và cũng như những dự án khác, dự án này hiện cũng đang vấp phải không ít ý kiến trái chiều liên quan đến vị trí đặt trạm thu phí. Cụ thể, một số ý kiến cho rằng, theo phê duyệt ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.046 tỷ đồng, trong đó, phần lớn số kinh phí là đầu tư xây dựng đoạn đường tránh TP Phủ Lý. Vậy mà không hiểu vì sao các đơn vị có liên quan lại cho phép chủ đầu tư đặt trạm thu phí trên QL1. Với vị trí này, các phương tiện không di chuyển qua tuyến đường tránh vẫn phải mất tiền.

Đừng coi người dân là... "con bò sữa"

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực GTVT cho rằng, đây là vấn đề không mới, nhưng lại là vấn đề nói mãi rồi không thấy các đơn vị có chức năng xem xét, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. Cụ thể, theo một số chuyên gia, Bộ GTVT dù đã nhiều lần tuyên bố sẽ rút kinh nghiệm trong việc đầu tư, triển khai các dự án BOT từ tổng mức đầu tư, vị trí đặt trạm, tính minh bạch trong việc hoạt động của các trạm thu phí. Thế nhưng đến thời điểm này, những việc mà Bộ GTVT đã làm được dường như vẫn chỉ là con số 0. Hàng loạt trạm thu phí bất hợp lý, hoạt động theo kiểu tận thu, dự án chỗ này nhưng thu phí ở đường khác vẫn diễn ra khá phổ biến.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là điều hết sức cần thiết, giao thông có phát triển, nền kinh tế mới có cơ hội cất cánh. Tuy nhiên, đầu tư ra sao để đảm bảo lợi ích của người dân và các DN vận tải là điều cần phải tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt là phải đảm bảo quyền lựa chọn của người dân. Do đó, nếu tước quyền lựa chọn của người dân để ưu tiên nhà đầu tư, nguồn lực tài chính của Nhà nước sẽ không thể khỏe mạnh hơn khi mà nguồn lực của chính người dân cũng đã bị bào mòn.

Không thể phủ nhận việc hàng loạt dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đã và đang làm thay đổi diện mạo giao thông Việt Nam . Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng là nỗi thống khổ của không ít người dân và các DN vận tải do tình trạng phí chồng phí, cứ ra đường là mất tiền. Bên cạnh đó, Bộ GTVT vừa trình Quốc hội dự án phát triển tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư khoảng 230.000 tỷ đồng. Theo đề xuất, khoảng 60% tổng mức đầu tư sẽ được huy động trong dân. Thế nhưng, với việc người dân tiếp tục đang bị biến thành “con bò sữa” của các DN BOT thì mục tiêu trên rất khó hoàn thành.

Đề nghị xử lý đối tượng gây rối tại trạm BOT QL 6

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ giải quyết vấn đề mất an ninh trật tự tại trạm thu phí BOT QL 6 Hòa Lạc – Hòa Bình. Cụ thể, đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị có biện pháp để đảm bảo an toàn cho việc thu phí, xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm.

Trước đó, sáng ngày 26/11, trạm thu phí BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình tiếp tục bị ùn tắc kéo dài hàng km do bị một chiếc xe khách, một xe tải, một xe ô tô và một số người dân chặn hai đầu trạm. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu những người dân sinh sống tại thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình có những hành động trên. (Vân Nhi)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thu-phi-bot-ql1-doan-qua-ha-nam-bo-quen-quyen-lua-chon-cua-nguoi-dan-274099.html