Thủ phạm gây viêm đường hô hấp trên ở trẻ em

(GĐVN) Viêm đường hô hấp trên ở trẻ em là một bệnh thường gặp và diễn biến theo mùa. Mùa lạnh là mùa hay bị và đây cũng là mùa mà các biến chứng tai mũi họng xảy ra nhiều nhất. Nếu bệnh nặng thì có thể không khắc phục được...

Đến hẹn lại lên
Bệnh viêm đường hô hấp trên là tất cả những bệnh viêm nhiễm tính từ cửa mũi trước đến thanh quản. Một đặc điểm quan trọng bậc nhất của viêm đường hô hấp trên là xuất hiện mang theo không khí lạnh. Mùa thu đông là mùa mà tần suất bệnh viêm đường hô hấp trên gặp nhiều nhất. Lý do hết sức đơn giản là mùa lạnh sức miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, lại do phản ứng tiết dịch nhiều nên vi rút hay vi khuẩn dễ dàng bám dính và gây bệnh.
Đối tượng mắc bệnh thường là trẻ em. Tính trên toàn thế giới, hàng năm có hàng triệu trẻ em mắc bệnh. Trẻ em dễ mắc bệnh là do hệ miễn dịch chưa hoàn hảo, những kháng thể bảo vệ trong chất nhầy hô hấp chưa đủ khả năng để ức chế vi rút hay tiêu diệt vi khuẩn. Do đó mà sức đề kháng chống cự với bệnh tật thường không đủ thắng lại mầm bệnh. Ngoài trẻ em thì một số đối tượng khác cũng trong tầm ngắm như người già, phụ nữ mang thai, người yếu, người mới ốm dậy, người bị mắc bệnh nặng như bệnh AIDS, suy dinh dưỡng…
Có một điều hết sức không may mắn là hệ hô hấp trên lại ở trên hệ hô hấp dưới nên hầu như mọi mầm bệnh đều có thể lan xuống đường hô hấp dưới nếu các ông bố bà mẹ không thực sự biết cách giữ gìn.

Ảnh minh họa

Vi khuẩn không phải mầm bệnh chính
Chúng ta thường nghĩ đơn giản viêm đường hô hấp trên là do vi khuẩn gây ra. Một phản xạ rất tự nhiên là hễ thấy con trẻ viêm đường hô hấp trên thì chúng ta mua ngay một ít thuốc kháng sinh để “tự điều trị”. Đây là một hành động không chuẩn xác. Vì không phải tất cả các viêm đường hô hấp trên là vi khuẩn. Và cũng không phải vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh chính và chủ đạo. Bằng những nghiên cứu và thử nghiệm khoa học, người ta thấy đa phần nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp trên là các vi rút. Có thể kể ra đây một số loại vi rút điển hình như: vi rút Rhino, vi rút Corona, vi rút á cúm Parainfluenza, vi rút Adeno, vi rút hô hấp hợp bào RSV. Sau vi rút mới là vi khuẩn. Một số loại vi khuẩn hay gặp liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, một số loại nấm.
Thông thường vi rút gây bệnh bằng cách cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng, xâm nhập vào tế bào niêm mạc, nhân bản rồi phá hủy tế bào. Khi đủ mạnh chúng sẽ lây lan trên toàn bộ hệ thống hô hấp trên. Cơ thể trẻ em sẽ kháng cự lại các vi rút và ngăn trở chúng bằng các kháng thể IgA sẵn có trong dịch nhầy và đội quân bạch cầu bảo vệ. Thông thường sẽ có một vài tế bào niêm mạc hô hấp bị phá hủy nhưng sau khoảng 2 tuần lớp tế bào mới lại mọc lên và đẩy lùi vi rút. Ngược lại nếu sức đề kháng kém thì trẻ em sẽ bị nhiễm bệnh kéo theo sau đó là sự bội nhiễm của vi khuẩn tạo ra một bệnh lý phức tạp và nặng nề.

Các biểu hiện
Viêm đường hô hấp trên không phải là một bệnh mà là một tổ hợp bệnh bao gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bộ phận bị bệnh mà viêm đường hô hấp trên có biểu hiện cụ thể. Nhưng chung quy lại chúng có một số biểu hiện dưới đây.
Sốt là biểu hiện quan trọng đầu tiên. Hầu như sốt với trẻ em là sốt do viêm đường hô hấp trên nếu không kể tới các sốt do mọc răng, do rối loạn tiêu hóa. Sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn. Thân nhiệt thường là 39 độ trở lên.
Đi kèm với sốt là sổ mũi, chảy mũi. Đứa trẻ sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi. Dịch mũi về bản chất là một dịch viêm bảo vệ nhưng nó lại là thủ phạm lan truyền mầm bệnh vì dịch mũi rất nhiều mầm bệnh. Nó sẽ là phương tiên hữu hiệu lây bệnh từ bộ phận này sang bộ phận khác, từ đường hô hấp trên sang đường hô hấp dưới
Ho là dấu hiệu nhận dạng thứ hai. Ho là một biểu hiệu mà gần như là có mặt trong mọi bệnh viêm đường hô hấp trên. Viêm mũi đứa trẻ cũng ho, viêm họng đứa trẻ cũng ho mà viêm thanh quản đứa trẻ cũng ho. Vì lý do thành họng của trẻ em rất nhạy cảm cộng với tình trạng tiết dịch nhiều nên ho thường là một triệu chứng gần như là có mặt 100%. Ho có nhiều loại, ho có thể thành cơn, ho có thể không thành cơn, có thể ho khan, có thể ho có đờm. Ho là biểu hiện đầu tiên nhưng cũng là biểu hiện cuối cùng báo hiệu chấm dứt hoàn toàn đợt viêm nhiễm. Thông thường ho là có lợi nhưng nếu không kiểm soát tốt, ho lại làm cho đứa trẻ mệt, mất ngủ, nôn trớ…
Khó thở là một triệu chứng không đặc thù của viêm đường hô hấp trên. Nó thường là triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp dưới nhưng trong trường hợp đứa trẻ bị viêm thanh quản thì rất có thể đứa trẻ cũng sẽ bị khó thở. Khó thở là triệu chứng ít gặp nhưng đã gặp thì lại rất đáng ngại. biểu hiện nhận thấy là đứa trẻ phải rít thở, thở khò khè. Đứa trẻ trở nên quấy khóc, ít ngủ do khó thở gây ra. Các biểu hiện khác đi kèm là bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc, hốc hác, gầy “tọp” xuống do mất nước.

Bố mẹ phải làm gì?
Trong trường hợp đứa trẻ bị bệnh, bố mẹ cần làm tối thiểu các việc sau:
- Dùng ngay thuốc hạ sốt cho trẻ bất cứ khi nào trẻ có biểu hiện sốt cao từ 39 độ trở lên. Khi đứa trẻ sốt cần 30 phút – 1 tiếng cặp nhiệt độ 1 lần hoặc bất cứ khi nào thấy người đứa trẻ nóng hơn cảm nhận. Tuyệt đối không để sốt cao và kéo dài trong thời gian chờ đi viện hay đang trên đường đi khám. Thuốc sử dụng tốt nhất là paracetmol (biệt dược là efferagal trẻ em gói bột hay viên đạn).
- Quàng khăn giữ ấm cổ trẻ với các em bé nhỏ hơn 3 tuổi. Nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Quàng khăn có tác dụng giữ ấm cổ, giảm ho, giảm chảy dịch mũi. Khăn sử sụng không cần phải là khăn len, khăn dạ mà chỉ đơn thuần là một cái khăn xô hay khăn vải thông thường là đủ
- Được phép dùng thuốc giảm ho dạng si rô trong trường hợp chưa đi viện được ngay. Các thuốc ho dạng si rô đa phần là các thuốc thảo dược nên có biên độ an toàn cao nhưng cũng chỉ được dùng tối đa là 3 ngày. Nếu không giảm phải đưa cháu đi khám và uống thuốc theo đơn. Thành phần thuốc giảm ho có nhiều nhưng chung quy lại có 3 thành phần chủ đạo: tăng miễn dịch, tăng tiết dịch làm loãng đờm và chống rát họng. Thế nên thường thì sau khi uống si rô đứa trẻ sẽ bị ho húng hắng một vài cái nhưng đó không phải là biểu hiện bất thường. Si rô ho đặc biệt tốt cho trẻ có nhiều đờm.
- Nhỏ thuốc mũi hay xịt thuốc mũi. Khi thấy đứa trẻ chảy mũi quá nhiều thì chúng ta phải xịt thuốc mũi hay nhỏ thuốc mũi cho con. Tất nhiên với loại thuốc này cần phải có ý kiến dược sỹ hay bác sỹ.
Chú ý cuối cùng là cần đưa trẻ đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt vì như thế sẽ giúp trẻ hạn chế được tiến triển bệnh hay những biến chứng không đáng có.
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Bs. Yên Lâm Phúc (Học viện quân y)

Nguồn Gia Đình VN: http://giadinhvn.vn/vn/tintuc/batmachtainha/4553-thu-pham-gay-viem-duong-ho-hap-tren-o-tre-em.aspx