Thủ lĩnh tối cao của IS bị tiêu diệt: Rắn mất đầu, ngày tàn đã điểm?

Những phần tử khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang vội vã tháo chạy khỏi các khu vực nằm trong tầm ngắm của lực lượng quân đội Nga và Syria.

Nguồn tin từ bộ Quốc phòng Nga cho biết, đợt không kích của lực lượng không quân Nga có thể đã tiêu diệt thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi tại Raqqa, Syria vào hồi cuối tháng Năm.

Al-Baghdadi được cho là 1 trong 330 phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan bị tiêu diệt trong đợt không kích.

Lãnh đạo tối cao Abu Bakr al-Baghdadi của IS.

Tuy nhiên, cho tới nay, cái chết của al-Baghdadi vẫn chưa được xác nhận. Liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Syria cho hay, lực lượng này cũng không thể xác nhận thông tin trên.

Ngoài ra, hai “tiểu vương” của IS là Abu al-Hadji al-Mysri và Ibrahim An-Naef al-Hajj, những kẻ kiểm soát lãnh thổ từ Raqqa tới Es-Suhne cùng với “chủ soái an ninh” Suleiman al-Shawah... cũng được cho là đã bị tiêu diệt trong cùng đợt không kích trên.

Theo chuyên gia quân sự Nga Alexander Zhilin, nếu thông tin này được xác nhận, nó sẽ có vai trò quyết định với cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Tuy nhiên, Zhilin vẫn tỏ ra hoài nghi và cho rằng, “khả năng cao Abu Bakr al-Baghdadi vẫn chưa bị tiêu diệt”.

“Cái chết của thủ lĩnh tối cao sẽ là cú sốc lớn với IS. Rất khó để tổ chức này nhanh chóng tìm ra một nhân vật thay thế và sắp xếp lại nhân sự chỉ huy cũng như hệ thống liên lạc trong toàn tổ chức. Lúc này là thời điểm quan trọng để các bên chống khủng bố chớp thời cơ”, Zhilin nói trên tờ RT.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, không nên đánh giá quá cao về thông tin al-Baghdadi bị tiêu diệt.

“Lịch sử cho thấy, sức chiến đấu của những nhóm khủng bố vẫn sẽ được hồi phục (sau khi thủ lĩnh bị tiêu diệt)”, ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo hôm 16/6.

Theo nguồn tin từ bộ Quốc phòng Nga, al-Baghdadi bị tiêu diệt khi “hội đồng quân sự” của IS đang thảo luận về kế hoạch trốn thoát khỏi Raqqa thông qua “hành lang phía Nam” để tới những khu vực mà tổ chức này đang chiếm hữu ở Syria và Iraq.

Trước đó, truyền thông quốc tế cho hay, những kẻ cầm đầu của IS đã rời khỏi Raqqa và Mosul để tới thành phố Mayadin ở tỉnh Deir ez-Zor, gần biên giới giữa Syria và Iraq.

Không có nơi nào chạy trốn

Các phần tử khủng bố IS tại Trung Đông.

Theo Vyacheslav Matuzov, một nhà phân tích chính trị Nga về vấn đề Trung Đông, việc IS chạy về Mayadin cho thấy một sự thật rằng, chúng không còn nơi nào để chạy trốn.

Mayadin là thành phố duy nhất nằm trong vùng lãnh thổ hoang mạc ở gần nơi mà IS kiểm soát.

“Nếu nhìn vào bản đồ, rõ ràng ta thấy những kẻ khủng bố không còn lựa chọn nào khác. Trên thực tế, chúng đang rút lui một cách ồ ạt, không có trật tự”, Matuzov nói.

Hãng thông tấn AP dẫn nguồn tin quân đội Mỹ cho biết, IS bắt đầu di chuyển tới Mayadin từ vài tháng trước, khi liên quân quốc tế do Washington dẫn đầu tiến về phía Raqqa.

Các chuyên gia lưu ý, hành động của liên quân do Mỹ dẫn đầu cho thấy một sự thật là nhiều phần tử khủng bố có thể dễ dàng rời khỏi Raqqa. Cơ quan tình báo và phân tích Isreal Debka cho biết, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đã đạt được một thỏa thuận với IS về một hành lang sơ tán từ Raqqa.

Hãng tin Sputnik của Nga cũng thu thập được nguồn thông tin tương tự. Hồi tháng 10/2016, một nguồn tin ngoại giao tại Moscow nói rằng, Mỹ và Saudi Arabia đang lên kế hoạch rút khoảng 9.000 chiến binh của phiến quân khỏi Mosul (Iraq) và chuyển tới Syria.

Washington vẫn chưa dứt khoát về Syria

Chính quyền Donald Trump vẫn chưa dứt khoát về vấn đề Syria.

Theo chuyên gia Matuzov, việc IS rút lui và các thủ lĩnh của nhóm bị tiêu diệt là dấu hiệu cho thấy, tổ chức này đang chịu đựng cú sốc lớn. Ông nhấn mạnh, câu hỏi chính hiện nay là quan hệ giữa liên minh của Mỹ và các lực lượng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau khi tiêu diệt IS.

“Điều quan trọng là Nga và Mỹ có tìm được quan điểm chung về vấn đề Syria hay không”, chuyên gia này chỉ rõ.

Ông Matuzov phân tích, có nhiều điều có thể khiến tình hình thêm phức tạp. Đầu tiên, đó là nguy cơ đối lập giữa lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn và quân đội Chính phủ Syria ở phía bắc Syria. Thứ hai, Damascus coi sự hiện diện của Mỹ ở Syria là bất hợp pháp. Mặt khác, Washington vẫn còn đang do dự về cách tiếp cận với Chính phủ Syria.

“Việc Mỹ không có một quan điểm rõ ràng tại Syria là một vấn đề. Trong và sau chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ, chính quyền Donald Trump đã nhiều lần thay đổi thái độ với chính quyền Assad", ông Matuzov phân tích.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/thu-linh-toi-cao-cua-is-bi-tieu-diet-ran-mat-dau-ngay-tan-da-diem-a329657.html