Thu hút FDI cần chuyển từ 'lượng' sang 'chất'

Cần phải chọn lọc những dự án có công nghệ cao, quản trị tốt và chọn những dự án tạo ra sự liên kết với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Chuyển hướng thu hút FDI từ "lượng" sang "chất". Ảnh minh họa: TTXVN.

Đầu tư nước ngoài đang được đánh giá là khu vực không những chỉ đóng góp lớn cho đất nước về vốn, tăng trưởng GDP và xuất khẩu mà còn đang tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.

Phát biểu tại một cuộc họp gần đây với toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, chúng ta tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải có chọn lọc.

Theo đó, phải chọn lọc những dự án phù hợp với định hướng tái cấu trúc của nền kinh tế. Đồng thời, chọn những dự án có công nghệ cao, quản trị tốt và chọn những dự án tạo ra sự liên kết với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Chưa như mong muốn

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9, cả nước có 1.820 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 11,165 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Đồng thời, có 851 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,265 tỷ USD, bằng 86,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung trong 9 tháng qua, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 16,43 tỷ USD, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 9 tháng, nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp đến là kinh doanh bất động sản và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ. Hiện có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Hàn Quốc là nước dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài, chiếm 34% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; tiếp đến là Singapore, chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; Nhật Bản, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư.

Tương tự, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 9 tháng năm 2016 đạt gần 91,2 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 71,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong 9 tháng đạt gần 89,5 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2015 và chiếm 69,7% kim ngạch xuất khẩu.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Khu vực này đã sử dụng lên tới khoảng 3 triệu lao động và chiếm trên 20% tổng số vốn của nền kinh tế. Tỷ lệ đóng góp GDP lớn của khu vực này tập trung ở một số tỉnh thành như: Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...

Thời gian tới sẽ có các dòng FDI lớn hơn vào Việt Nam.Ảnh: reuters

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở nhiều địa phương không được như mong muốn. Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, đầu tư nước ngoài vẫn tăng về lượng (số dự án) nhưng giá trị (vốn) đang giảm đi.

Để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, theo các chuyên gia cần phải có sự chuyển biến trong khâu làm chính sách và thực thi chính sách. Hiện nay Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã có hiệu lực, nhưng một số nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành, khiến cho nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi mới có quyết định đầu tư chính thức.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhà đầu tư, nguồn nhân lực qua đào tạo thiếu và yếu; công nghiệp phụ trợ manh mún, chưa đáp ứng nhu cầu… cũng là những hạn chế cần được giải quyết để thu hút các nhà đầu tư.

GS. TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, “Những hạn chế về thể chế kinh tế không phải bàn cãi, nhưng nguyên nhân khiến thu hút đầu tư nước ngoài còn hạn chế là do còn thiếu quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển dài hạn.”

Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới sẽ có các dòng FDI lớn hơn vào Việt Nam. Điều này, phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo đó, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã chỉ ra rằng, dòng FDI vào Việt Nam từ đầu năm đến nay đã tăng dần. Nổi bật, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, bên cạnh những mặt hạn chế, FDI đang được xem là một kênh đầu tư có tác động khá tích cực và làm thay đổi hoạt động kinh doanh, cũng như tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam cần triển khai nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan về FDI để có những chính sách phù hợp, đẩy mạnh liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Nguyễn Văn Tứ cho hay, là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về thu hút FDI, thành phố sẽ đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chọn lọc, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng.

Đồng thời, hỗ trợ thủ tục hành chính thuận lợi nhất cho các dự án có chất lượng, quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học...

Về chủ trương thu hút đầu tư, bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, Thành phố vẫn đang định hướng là chuyển từ “lượng” sang “chất”, tức nâng tầm các dự án trước đây thành các dự án sử dụng công nghệ cao hơn, thân thiện với môi trường và giá trị gia tăng lớn hơn. Do vậy, việc thu hút đầu tư cần có sự tinh lọc.

“Về dài hạn, Thành phố cũng sẽ tiếp tục cải thiện về thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Thành phố” - bà Minh nhấn mạnh.

Đại diện một số doanh nghiệp FDI cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, chủ động tạo điều kiện thuận lợi về kinh doanh, cải cách hành chính và hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài củng cố niềm tin, gia tăng đầu tư trong thời gian tới…

Về xu hướng thu hút FDI trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, các chính sách thu hút FDI sẽ hướng tới các lĩnh vực cụ thể, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất tạo giá trị gia tăng hay ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghiệp cao.

Đặc biệt, thu hút FDI cần phù hợp với từng ngành, khu vực về điều kiện kinh tế, địa lý, nhân lực và các tác động lôi cuốn các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận động thu hút vốn FDI chất lượng cao đầu tư vào Việt Nam để phát triển kinh tế đất nước và tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn. Đặc biệt, từng bước phát triển doanh nghiệp trong nước để kết nối hai bộ phận doanh nghiệp này hướng đến chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra giá trị sản phẩm cao hơn./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thu-hut-fdi-can-chuyen-tu-luong-sang-chat-/25442.html