Thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp thiếu minh bạch

Theo anh Bùi Văn Tiến (xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) thì năm 2006, UBND huyện thu hồi 20.050m2 đất tại xã Đại Đồng để giao cho Cty TNHH Thuốc BVTV Sài Gòn - Vĩnh Phúc (BMV) thuê.

Anh Bùi Văn Tiến đang trao đổi với PV Báo NNVN

Nhưng quá trình thu hồi đất, có nhiều biểu hiện thiếu minh bạch.

Cụ thể là ngày 18/1/2006, cán bộ xã, huyện và BMV họp với dân, chỉ thông báo bằng miệng chứ không có bất cứ một văn bản nào về việc thu hồi đất cũng như quyết định phê duyệt giá đền bù. Ngay sau đó, cán bộ yêu cầu dân nhận tiền đền bù đất với giá 15 triệu/sào, là giá do BMV đưa ra.

Do tin tưởng vào cán bộ và thiếu hiểu biết về pháp luật, nên một số hộ dân đã đến nhận tiền. 2 ngày sau, BMV tiến hành san lấp mặt bằng. Nhưng 7 ngày sau, UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới ra quyết định thu hồi đất, và 5 tháng sau, UBND huyện Vĩnh Tường mới ra quyết định thu hồi đất đối với từng hộ gia đình, nhưng 5 năm sau, hộ dân nào thắc mắc, thì UBND huyện mới giao quyết định thu hồi đó.

Duy nhất có hộ gia đình anh Tiến, do đòi hỏi gay gắt, nên mới được nhận quyết định thu hồi từ năm 2006. Với những hộ chưa nhận đền bù, chính quyền đã tìm mọi cách để o ép, buộc người dân phải nhận tiền đền bù.

Thậm chí có trường hợp chủ sử dụng đất chưa chịu nhận tiền đền bù, chính quyền đã... nhờ người khác nhận thay rồi tiến hành san lấp. Đặc biệt là hễ có hộ dân nào thắc mắc thì chính quyền mới tiến hành lập hồ sơ để hoàn thiện trường hợp đó.

Cùng với việc thu hồi 20.050m2 đất cho BMV thuê, UBND huyện Vĩnh Tường còn tiếp tục thu hồi đất của xã Đại Đồng với tổng diện tích 980.460m2 để xây dựng “cụm kinh tế xã hội Đại Đồng”, cũng với phương thức thu hồi đất như trên.

Nhưng đến nay đã 10 năm, mới có 4 doanh nghiệp đầu tư với 72.193m2, chiếm gần 9% diện tích cụm công nghiệp, thì đã có 2 doanh nghiệp bán lại diện tích được thuê, kiếm lời hàng chục tỷ đồng. Còn Công ty BMV cũng chỉ có một xưởng nhỏ chuyên lắp ráp bình phun thuốc trừ sâu, chứ chưa hề sản xuất theo đăng ký.

Như vậy, căn cứ theo những trình bày trên, thì UBND huyện Vĩnh Tường đã có 2 điều vi phạm. Thứ nhất, là cụm kinh tế xã hội Đại Đồng không thuộc sự điều chỉnh của Khoản 1 Điều 40 Luật Đất đai năm 2003 (thu hồi đất để phát triển kinh tế) mà thuộc sự điều chỉnh của Khoản 2 điều này, nghĩa là nhà đầu tư phải thỏa thuận với dân về giá đền bù, hoặc là “được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”.

Nhưng BMV không thương lượng với dân, mà tự ý đưa ra giá đền bù rất rẻ mạt là 15 triệu đồng/sào, rồi UBND huyện Vĩnh Tường lại dùng mệnh lệnh hành chính để ép buộc người dân phải chấp nhận giá đó, là trái hoàn toàn với khoản 2 điều 40 Luật Đất đai năm 2003.

Thứ hai, quy trình thu hồi đất của UBND huyện Vĩnh Tường là một quy trình ngược. Theo đúng quy trình thì trong trường hợp này, người dân phải nhận được quyết định thu hồi đất - Thỏa thuận giá bồi thường với nhà đầu tư - Nhận tiền - Giao đất cho UBND huyện, rồi cuối cùng UBND huyện mới đủ điều kiện giao đất cho nhà đầu tư.

Nhưng ở đây, người dân chỉ được huyện ấn xuống cái giá đền bù do nhà đầu tư đưa ra là 15 triệu đồng/sào, rồi tiến hành san lấp luôn, cho đến 5 năm sau, chỉ những hộ nào thắc mắc thì mới nhận được quyết định thu hồi.

Do nhận thấy những vi phạm trên, nên gia đình anh Bùi Văn Tiến và một số hộ dân khác chưa chịu nhận tiền, đồng thời có nhiều đơn thư khiếu nại gửi UBND huyện Vĩnh Tường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng theo anh Tiến, thì cho đến nay, những đơn từ của anh và bà con vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Điều hết sức kỳ lạ là dù gia đình anh Tiến chưa nhận tiền đền bù, chưa giao đất, khoảnh đất của gia đình anh hiện nằm xen kẹt giữa đất của BMV, nhưng Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Phúc, khi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho BMV, lại cấp luôn cả diện tích đất của gia đình anh Tiến vào trong đó. Hiện tại, gia đình anh Tiến luôn luôn bị BMV cản trở, gây khó khăn khi tiến hành canh tác trên diện tích đó.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/thu-hoi-dat-cua-dan-giao-cho-doanh-nghiep-thieu-minh-bach-post172252.html