Thu hồi đất: Còn nhiều điểm nghẽn

(DĐDN) - Là chủ đề "nóng" nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thu hồi đất vẫn đang tiếp tục là vấn đề được tranh cãi, nhất là Luật Đất đai sửa đổi dự kiến được thông qua trong kỳ họp này.

Tránh lãng phí

Ông Trần Ngọc Vinh - Ủy viên UB Pháp luật của Quốc hội: Đề nghị chỉ những dự án do nhà nước quyết định phê duyệt đầu tư thì nhà nước mới thu hồi đất.

Nhiều quan điểm đề nghị không thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội mà nên đưa phương thức trưng mua quyền sử dụng đất đối với các dự án này, song đến thời điểm này chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo.

Theo tôi, nếu Luật đất đai (sửa đổi) lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Điều 62 của dự thảo luật thì vấn đề khiếu kiện đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải. Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế - xã hội, phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể, tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất này, nhằm tránh lợi dụng và tạo ra các bất bình xã hội.

Thứ nhất, đề nghị chỉ những dự án do nhà nước quyết định phê duyệt đầu tư thì nhà nước mới thu hồi đất.

Thứ hai, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra làm rõ căn cứ vào yếu tố nào để đưa các dự án nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội tại Điều 62 vào diện nhà nước cần phải thu hồi đất. Vậy, các dự án thuộc các ngành, nghề khác thì sao, phải chăng nó không quan trọng và không thiết thực.

Thứ ba, để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên đất, đề nghị dự thảo luật cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thẩm quyền thu hồi đất nhằm tránh tình trạng áp dụng tràn lan và quá giới hạn thu hồi đất.

Thứ tư, dự thảo luật cần làm rõ hơn thời điểm thu hồi đất diễn ra khi nào, tránh tình trạng cứ quy hoạch là thông báo thu hồi rồi lại để treo lãng phí rất lớn đến nguồn tài nguyên đất.

Bỏ cơ chế giao đất

Ông Huỳnh Minh Hoàng - Ủy viên UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Người dân bị thu hồi đất có quyền giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập, tham gia đấu thầu định giá đất.

Trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) quy định giá đất do nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng.

Theo tôi, thị trường là phải để thị trường quyết định, giá qua đấu giá chính là giá thị trường chứ không phải giá đất nhà nước công bố hàng năm là giá thị trường. Khi đó giá đất rất minh bạch, ngay trong một xã, một thôn, một ấp có thể có giá đất khác nhau và người dân được đền bù khác nhau, bởi thôn, ấp bị thu hồi có vị trí thuận lợi khác nhau, vị thế khác nhau. Ngoài ra thời điểm thu hồi đấu giá đất khác nhau thì giá đất cũng khác nhau, khi đó sẽ không có chuyện so đo, tị nạnh giữa người dân, các vùng giáp ranh về giá đền bù. Trong quá trình đấu giá, đại diện người dân được tham gia, giám sát hội đồng đấu giá. Hướng làm minh bạch như vậy sẽ giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo.

Đã là đất kinh doanh thương mại là phải đấu giá chứ không có chuyện giao đất. Bởi vì hiện tượng giao đất không còn minh bạch, dẫn đến tham nhũng, khiếu kiện, tố cáo. Hiện nay quá trình giao đất giữa nhà đầu tư và người dân tiếp cận quan hệ tốt thì được giao nhanh, nếu không thì ngược lại. Luật sửa đổi phải quy định nhà nước làm quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng sạch, tổ chức đấu giá minh bạch, giá trị tăng thêm, sau đấu giá sẽ được phân chia cho người dân là bao nhiêu cần quy định rõ hoặc áp dụng cơ chế góp đất và điều chỉnh lại đất đai.

Cuối cùng, tôi kiến nghị nhà nước cần thành lập cơ quan định giá đất, người dân bị thu hồi đất có quyền giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập, tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi hoàn, hỗ trợ và tái định cư sao cho có lợi cho người bị thu hồi đất, bỏ hẳn cơ chế giao đất xin cho.

Không phù hợp với luật định

Ông Ngô Văn Minh - Ủy viên Thường trực UB Pháp luật của Quốc hội: Quy định khi trưng dụng đất mà có thiệt hại thì bồi thường theo quy định của Chính phủ là không chặt chẽ và không phù hợp với Khoản 4, Điều 54 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Khi chúng ta thảo luận dự thảo Hiến pháp , vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất phải do luật định. Nhưng luật còn định như trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) thì hỏi làm sao đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và đại biểu Quốc hội.

Thứ nhất, các trường hợp thu hồi đất tôi thấy tiếp thu lần này có nhiều điểm không bằng dự luật trình ra kỳ họp thứ 5. Chúng ta quy định riêng đối với thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội là một điều hết sức cụ thể. Quy định thẩm quyền của Quốc hội, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cũng cụ thể. Bây giờ chúng ta nhập 2 điều, ghi thực hiện phát triển kinh tế - xã hội vào một điều thì tôi thấy chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, ở Điều 62, Khoản 1 chúng ta quy định 8 trường hợp, Khoản 2 của điều này chúng ta quy định 4 trường hợp là thẩm quyền của Quốc hội, của Thủ tướng và của Hội đồng nhân dân, còn 4 trường hợp chúng ta để ngỏ. Trong đó có những trường hợp như Điểm c, Khoản 1 quy định những công trình chúng ta cho rằng đó là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội không sai, nhưng còn điện lực, hầm dẫn, hầm chứa, đường dẫn xăng dầu, công trình cấp nước, thoát nước... Tại sao chúng ta bỏ ngỏ thẩm quyền này... Việc DN công ích ở TP HCM vừa qua là điển hình.

Vấn đề thứ hai, cũng không phù hợp với quy định của Hiến pháp là ở Khoản 7, Điều 72, chúng ta quy định về trưng dụng đất. Việc trình tự thủ tục và thu hồi khi trưng dụng đất mà có thiệt hại thì bồi thường theo quy định của Chính phủ. Như vậy cũng không chặt chẽ và không phù hợp với Khoản 4, Điều 54 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp là phải do luật định, đó là Luật trưng mua, trưng dụng tài sản.

Bồi thường về thu nhập, sinh kế

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nhà đầu tư phải bồi thường về sinh kế cho tới khi tìm được sinh kế mới. Điều này cần đưa vào quy định chứ không phải chỉ là lời hứa của nhà đầu tư.

Ngay trong cơ chế định giá thu hồi đất hiện nay có một số nhược điểm rất đáng quan tâm, đó là chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định trình tự thủ tục của việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giá đất . Chính vì vậy mà mỗi một địa phương cấp tỉnh lại có quy trình quyết định giá riêng, nói chung khá khác nhau. Chắc chắn, theo cách làm này, thì nhiều địa phương không thể định được giá đất phù hợp thị trường.

Bên cạnh đó, định giá đất là một nghề chuyên môn, cần được đào tạo kỹ lưỡng. Giao cho cơ quan hành chính quyết định giá đất là một cơ chế không phù hợp. Ở các nước phát triển, người ta luôn luôn phải thuê dịch vụ định giá đất độc lập để đề xuất giá đất phù hợp thị trường.

Đất đai chính là tài sản, là sinh kế, là tư liệu sản xuất của nông dân. Vì vậy, theo tôi nhà đầu tư muốn có đất, ngoài việc bồi thường giá trị như một tài sản, còn phải bồi thường về thu nhập, sinh kế cho người mất đất chứ không phải là trả một khoản tiền rồi phó mặc việc tìm sinh kế mới cho người mất đất như hiện nay.

Ngoài ra, chúng ta phải thay đổi cách thức của việc thu hồi đất và bồi thường. Không phải chúng ta trao cho họ một cục tiền một lần mà vấn đề phải chỉ dẫn cho người ta để có sinh kế mới, để có nghề nghiệp mới. Chúng ta hãy giao trách nhiệm bồi thường sinh kế cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải bồi thường về sinh kế cho tới khi tìm được sinh kế mới. Điều này cần đưa vào quy định chứ không phải chỉ là lời hứa của nhà đầu tư. Có như vậy mới tạo động lực cho nhà đầu tư tìm mọi giải pháp cùng người người dân tìm phương tiện thu nhập mới.

Giao cho cơ quan hành chính quyết định giá đất là một cơ chế không phù hợp.

Tuấn Anh, Phan Nam thực hiện

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/diem-nhan/thu-hoi-dat-con-nhieu-diem-nghen-20131112020546160.htm