Thu hàng trăm triệu đồng tiền tuyển dụng rồi lẩn trốn

Giám đốc Cty TNHH MTV quốc tế Nam Phương, địa chỉ 18, đường 25.4, Bạch Đằng, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyển dụng hàng chục nhân viên, nhưng yêu cầu ký hợp đồng lao động phải nộp 30 triệu đồng/người. Ngoài những sai phạm nghiêm trọng khi ký hợp đồng lao động, vị giám đốc này còn lẩn tránh trả số tiến đặt cọc trên cho các nhân viên suốt từ năm 2015 đến nay, đồng thời cũng không trả lương cho nhân viên trong những tháng làm việc ngắn ngủi tại công ty.

Trụ sở Cty TNHH MTV Quốc tế Nam Phương tại tòa nhà số 18, đường 25.4, TP.Hạ Long. Ảnh: PV

Nộp 30 triệu để đến ngồi chơi

Chị N.T.N, trú tại phường Hồng Hà, TP. Hạ Long cho biết, nghe thông tin Cty TNHH MTV Quốc tế Nam Phương tuyển nhân viên, chị cùng nhiều người khách đến nộp hồ sơ. Tuy nhiên, ngay khi ký hợp đồng thử việc (không có thời gian thử việc), Cty này ký tiếp phụ lục hợp đồng lao động, theo đó, người lao động (NLĐ) phải nộp từ 10 - 30 triệu đồng/người, thậm chí cao hơn thế cho Cty, tùy theo chức danh, nhiệm vụ. Số tiền này sẽ được Cty hoàn trả sau khi NLĐ ký hợp đồng chính thức, nhưng sẽ bị trừ khi NLĐ làm mất mát, hỏng tài sản hoặc tiết lộ thông tin bí mật của Cty.

Ngoài ra, mỗi người phải đóng 2 triệu đồng để làm thẻ hội viên Unessco và quỹ hội. Theo chị N, có ít nhất 40 người đã được tuyển dụng vào Cty theo hình thức này, từ đầu năm 2015. Tuy nhiên, tất cả đều trong tình trạng chung: Sáng đến Cty ngồi chơi cho đến chiều tối rồi về. Nhiều người chán quá, xin nghỉ và đòi lại tiền đặt cọc thì liên tục bị bà Lê Thị Lan - Giám đốc Cty - tìm cách thoái thác.

Chia sẻ với Lao Động, một số NLĐ khác cho biết, suốt từ đầu năm 2015, bà Lan liên tục hẹn thời hạn hoàn lại tiền đặt cọc, nhưng lần nào cũng lẩn tránh. Anh N.Đ.T - vợ một nạn nhân trong vụ này - cho biết, sau bao nỗ lực suốt từ đầu năm 2015 đến, bà Lan mới trả lại cho vợ anh được 10 triệu đồng, còn nợ 20 triệu đồng.

Phụ lục hợp đồng lao động ghi nhận đã nhận tiền đặt cọc 30 triệu đồng của NLĐ (ảnh nhỏ). Ảnh: P.V

“Theo như lịch hẹn, NLĐ đến văn phòng nhưng hầu như không gặp được vì bà giám đốc đi vắng. Gọi điện thì thường xuyên không nghe; dùng số lạ thì may chăng nói chuyện được vài câu, nhưng vẫn lại hứa hẹn xuông” - anh T chia sẻ. Bức xúc và để cho chắc chắn, nhiều người phục gặp bằng được và yêu cầu bà Lan có giấy hẹn, thay vì “mồm với mồm bằng không”.

Dẫu vậy, mọi việc vẫn như cũ: Ngày 18.2.2017, lần đầu tiên bà Lê Thị Lan có hẹn bằng văn bản về việc hoàn trả số tiền thu của NLĐ vào ngày 10.5.2017, nhưng đến nay, bà Lan vẫn “mất tích”.

Ngày 18.5, phóng viên báo Lao Động tìm lên địa chỉ Cty TNHH MTV quốc tế Nam Phương, tại phòng 606, tầng 6 của một tòa nhà trên đường 25.4, TP. Hạ Long. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ tòa nhà đã niêm phong phòng này từ lâu vì Cty TNHH MTV Quốc tế Nam Phương còn nợ tiền thuê hàng trăm triệu đồng. Được biết, hiện một số NLĐ đang tính phương án kiện ra tòa nếu giám Cty không chịu hoàn lại đầy đủ số tiền mà họ đã nộp.

Sai luật nghiêm trọng

Theo ông Đỗ Văn Khánh - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh - các nội dung trong hợp đồng lao động giữa Cty TNHH MTV Quốc tế Nam Phương với NLĐ vi phạm luật nghiêm trọng. Trước hết, đây là hợp đồng thử việc, nhưng lại không có thời gian thử việc trong bao lâu. Đặc biệt, trong phụ lục hợp đồng lao động, Cty Cty TNHH MTV Quốc tế Nam Phương đã thu tiền của NLĐ.

“Đây là hợp đồng lao động chứ không phải thỏa thuận dân sự, nên việc bắt NLĐ nộp tiền là sai hoàn toàn. Theo khoản 2, điều 5, Nghị định 95/2015 của Chính phủ về việc xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động: phạt người sử dụng lao động từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi buộc NLĐ thực hiện biện pháp đảm bảo bằng tiền hoặc tài sản khác cho đến khi thực hiện hợp đồng lao động; ngoài việc phải hoàn trả tiền, tài sản cùng với lãi suất tối đa” - ông Khánh cho biết.

Trong hợp đồng lao động, đại diện Cty trên cũng tự “sáng tác” ra nhiều những quy định riêng để “dọa” NLĐ. Trong đó, yêu cầu NLĐ, trong thời gian hợp đồng có hiệu lực và trong vòng 24 tháng kể từ khi nghỉ việc tại Cty, không được phép: Cung cấp tiết lộ thông tin, bí mật kinh doanh… của Cty ra ngoài. “Trong trường hợp bị phát hiện, cá nhân đó sẽ bị khởi tố trước pháp luật” - bản hợp đồng lao động ghi.

Nguyễn Hùng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/thu-hang-tram-trieu-dong-tien-tuyen-dung-roi-lan-tron-666394.bld