Thú chơi chim Miều xứ Huế

Tiếng hót lảnh lót, lúc trầm lúc bổng, trong trẻo đến lạ thường là đặc trưng của chim chào mào. Tiếng hót của chim chào mào khơi gợi lên không gian thanh bình yên ả của làng quê làm cho người thưởng thức ngẩn ngơ. Và phải chăng chính vì lí do đó mà người Huế gọi loài chim này bằng một cái tên rất thân thiết là chim Miều.

-

Một thú chơi tao nhã

Ai đã một lần đến Huế thì không khỏi ngạc nhiên thốt lên rằng, chim Miều ở đâu mà nhiều thế. Khắp nơi trong thành phố đâu đâu cũng có treo lồng chim Miều, lúc nào cũng nghe tiếng hót râm ran, tiếng “ché” đặc trưng của loài chim này. Thậm chí đất Huế còn được mệnh danh là vương quốc của chim Miều.

Người chơi chim Miều là già, trẻ, gái trai... miễn là có sở thích chơi.

Thú chơi chim Miều ở Huế đã có từ lâu đời nay, trước đây thú chơi chim Miều chỉ dành cho người già, bậc trung niên, người khá giả, có cơ ngơi bề thế. Nhưng thời gian gần đây cuộc chơi chim Miều ngày càng thu hút tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, từ thanh niên, tri thức, người lao động nghèo đến giáo viên, công nhân viên chức... Người nuôi ít thì 2, 3 con, người nhiều thì có từ 20 – 30 chú Miều. Tất cả mọi người đều có sở thích chung là niềm đam mê chim Miều

Người Huế mê chim Miều là do giọng hót của nó lạ không lẫn với loài nào, nhiều cung bậc khác nhau, khi bổng khi trầm, tiếng trong tiếng đục. Dáng dấp của chim miều nhỏ nhưng linh hoạt, màu lông đẹp.

Ở Huế ngày càng có nhiều hội chơi chim, với số hội viên lên tới hàng ngàn người. Nhưng có lẽ hội chim Miều An Cựu là hội chơi chim “khủng” hơn cả về số thành viên và cả số chim Miều.

Quán Hậu cafe chim Miều tại kiệt 34/1 Hải triều, là địa điểm mà các thành viên hội chơi chim Miều An Cựu và người yêu thích chim Miều bờ nam sông Hương tụ họp mỗi sáng. Hàng ngày có hàng trăm con chim của hội viên và người chơi mang tới đây để giao lưu.

Bước vào quán chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thích thú, khi trước mắt là cả một thiên đường của hàng trăm con chim Miều. Chim được treo khắp sân đang ca lên những bài ca rộn ràng. “Ché” lên những tiếng thách thức nhau khiến cả khu vườn vang một lên âm thanh náo nhiệt, cùng những giai điệu lúc trầm lúc bổng. Chốc chốc lại có một chú chào mào "nổ" một tràng lảnh lót khiến mọi người phải trầm trồ.

Ông Hậu, chủ quán - tươi cười nói: “Tôi mở quán này được 5 năm rồi, quán không nhằm mục đích kinh doanh mà chủ yếu là sân chơi, nơi giao lưu của anh em trong hội và những người có sở thích chơi chim Miều”.

Ông Hậu còn cho biết thêm, hội chim Miều An Cựu được thành lập gần 6 năm với số lượng hội viên tới nay đã lên đến 100 người. Là một sân chơi thú vị bổ ích sau những ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi của mọi người. Ngoài trao đổi về kinh nghiệm luyện chim, cách chăm sóc chim, hội còn thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu, thi đấu với các hội chim Miều trong và ngoài tỉnh.

Người Huế cũng khá cầu kì trong cách chọn chim Miều. Tiêu chí của một con chim Miều tốt trước hết nhìn tổng thể phải có hình dáng đẹp, vóc dáng dài, chân cao, bộ yếm, mao phải dày, lông đuôi dài, thẳng nhọn. Giọng ché phải to, thanh, rõ ràng. Chim không những có giọng hót hay mà còn phải biết múa, xòe lông, rũ cánh tạo dáng, tạo thế nữa.

Khi tôi thắc mắc, tại sao chim Miều ở Huế lại được dân chơi ưa chuộng như vậy? Ông Nam, 60 tuổi, đã có 40 năm kinh nghiệm nuôi chim Miều tươi cười giải thích: “ Chim Miều thì ở đâu chẳng có, nhiều nữa là đằng khác nhưng chim Miều ở Huế có hình dáng đẹp, vóc dáng dài, to con, lông mượt. Nhưng điều đặc biệt nhất mà chim Miều nơi đây được ưa chuộng là vì giọng hót, có lẽ do được sinh dưỡng trong vùng khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt của đất Huế. Được uống nguồn nước sông Hương nên giọng hót của chim Miều xứ Huế có những cung bậc riêng không lẫn lộn với bất cứ vùng nào khác, vừa trong trẻo, vừa ngọt ngào rất Huế”.

Do nhu cầu ngày càng lớn của “thượng đế” nên nghề buôn bán chim cảnh, thức ăn, lồng chim đang trở thành nghề “hot”. Trên các tuyến đường như: Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu… những quầy chim, cửa hàng bán chim cảnh đua nhau mọc lên như "nấm sau mưa". Trên mọi con đường, trong công viên, hàng cây đều dễ dàng bắt gặp những chiếc lồng chim Miều treo thành dãy, tiếng chim hót râm ran, với màu sắc sặc sỡ.

Giá cả chim Miều ở Huế cũng khá “mềm”, chỉ từ 100 – 250 ngàn đồng là người chơi đã có một chú Miều ưng ý. Bên cạnh đó cũng có những con chim Miều có giá khủng từ chục triệu đến cả trăm triệu như loài Miều bạch tạng (nửa trắng nửa đen), Miều lửa (màu lông đỏ phớt như lửa).

Thú chơi lắm công phu

Việc chăm sóc những chú Miều cũng chiếm khá nhiều thời gian của người chơi, chăm sóc chim cũng khá tỉ mỉ từ việc tắm, tuốt lông cho đến luyện giọng. Một chú chim chơi được cũng phải qua nửa năm chăm sóc và rèn luyện. Còn muốn tham gia thi đấu, ít nhất phải qua hai năm đào tạo. Mỗi thời kì có cách chăm chim khác nhau, ngoài ra còn phải thường xuyên đưa chim đi đấu thử để lấy độ dạn, và giữ “lửa” cho chim.

Thức ăn của chim Miều cũng được chế biến khá công phu gồm: Bột gạo tẻ, bột ngô, tép khô, lòng đỏ trứng gà trộn với nhau rồi đem phơi khô để cho chim ăn dần. Ngoài các thứ trên, người chơi còn phải bắt cào cào, côn trùng. Thậm chí cho chúng ăn các loại quả như: Cà chua, ớt, chuối, cam, cà rốt để giữ được sắc đỏ ở... cái đít, thanh giọng cho chim nữa.

Dân chơi chim Miều ở Huế không chỉ tìm, huấn luyện chim làm sao có được giọng hót hay, đặc trưng, mà còn cố gắng đặt làm và sưu tầm cho được những chiếc lồng độc đáo để xứng tầm với chú chim của mình. Những chiếc lồng chim Miều bình thường vốn đã được trau chuốt tỉ mẩn bằng thứ tre già ngâm nước ao hàng tháng giờ còn có thêm cách chơi mới, trang trí cho lồng thêm tinh xảo, được chạm trổ công phu, tỉ mỉ với những họa tiết cầu kì.

Thú chơi chim Miều ngày càng phổ biến ở Huế, thu hút sự quan tâm của mọi lứa tuổi đang dần tạo nên một trào lưu mới, một thú chơi lành mạnh mang đến nét đặc trưng của cố đô. Mỗi lần những chú chim Miều cất lên những tiếng “triu, uýt, triu triu huýt” lại làm xao xuyến biết bao người chơi chim lẫn người tham quan.

Bài và ảnh: Bạch Long

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/129n20111102193318224t0/thu-choi-chim-mieu-xu-hue.htm