Thót tim cảnh sinh hoạt, băng qua đường tàu tại Hà Nội

Vô tư sinh hoạt, làm việc ngay giữa đường ray hay bày biện buôn bán bên rìa đường tàu cũng như liều mình băng, chạy cắt qua mặt tàu hỏa… là những hình ảnh rùng mình nhưng vẫn diễn ra hàng ngày tại nhiều tuyến đường sắt chạy qua địa bàn Hà Nội.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị trong chuyến khảo sát về an toàn giao thông, tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua địa bàn Hà Nội luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt, tại các đoạn đường sắt chạy qua địa bàn huyện Thanh Trì và Thường Tín (nơi vừa xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm 6 người chết rạng sáng 24/10) có rất nhiều đường ngang nhỏ, lớn không có rào chắn cũng như nhân viên gác ghi túc trực. Cùng với đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn kém. Dù có sự cảnh báo của nhân viên gác ghi khi tàu hỏa đang lao đến nhưng nhiều người vẫn liều mạng, cố tình băng, cắt ngang qua đường.

Thiết nghĩ, việc sinh hoạt buôn bán ngay giữa lòng đường sắt hay cố tình bất chấp an toàn tính mạng của bản thân khi cố tình vượt rào chắn, băng qua đường khi tàu đang chạy là những hành vi rất nguy hiểm cho an toàn của bản thân và những người xung quanh. Hơn thế đó còn là hành vi vi phạm luật giao thông, gây nguy hại đến an toàn đường sắt.

Qua đó, để đảm bảo ATGT trên toàn bộ các tuyến đường sắt, tại các đường ngang dân sinh cũng như hài hòa việc lưu thông sinh hoạt của người dân tại các khu vực trên, hạn chế tối đa những tai nạn đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản như thời gian qua, đề nghị ngành đường sắt, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp, đầu tư hạ tầng như xây dựng nhiều trạm gác chắn tại những điểm giao cắt trọng yếu. Đồng thời, cần xây dựng nhiều rào chắn phân các khu dân cư đông đúc với đường tàu. Cũng như cần có sự đầu tư nâng cấp hệ thống biển báo, báo động, cảnh báo dọc tuyến đường sẳt nhất là tại các điểm giao cắt với đường bộ… Quan trọng hơn, các ngành chức năng cần tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường sắt đi qua cần đảm bảo công tác an toàn cho bản thân cũng như tàu chạy. Còn bản thân người tham gia giao thông cần có ý thức tuân thủ tuyệt đối luật giao thông đường bộ, đường sắt. Hơn thế nữa, cũng cần phải có những chế tài xử lý, phạt nặng đối với các hành vi gây mất an toàn giao thông đường sắt, lấn chiếm hành lang đường sắt, phá hỏng kết cấu an toàn đường sắt, hay cố tình băng cắt gây nguy hiểm cho chính bản thân cũng như những người xung quanh.

Một số hình ảnh do phóng viên ghi lại dọc tuyến đường sắt từ Ga Hà Nội đến địa bàn huyện Thường Tín:

Một người dân vô tư làm việc ngay giữa đường ray tàu hỏa đoạn gần Ga Hà Nội.

Cố tình đẩy rào chắn để băng cắt qua đường tàu

Một điểm giao cắt với đường tàu trên địa bàn huyện Thanh Trì khi có tàu hỏa chạy qua.

Điểm giao cắt tại cổng làng Ngọc Hồi huyện Thanh Trì không hề có gác chắc khi tàu hỏa chạy qua.

Nhiều người liều mình cố băng ngang qua đường sắt dù cho tàu hỏa đang đến gần.

Việc cố băng cắt qua đường tàu rất phổ biến dọc tuyến Bắc – Nam trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều điểm giao cắt trên địa bàn huyện Thanh Trì, Thường Tín không có gác chắc, hay nhân viên túc trực.

Việc không có gác chắn cũng như nhân viên gác ghi túc trực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn khi người dân “vô tư” băng qua đường.

Ngoài ra trên địa bàn huyện Thường Tín, người dân vô tư buôn bán ngay trên lòng đường sắt.

Một chiếc xe taxi vừa vượt qua đường ray

Bảng thông báo tại một điểm giao cắt trên địa bàn huyện Thanh Trì.

Một điểm giao cắt với đường tàu trên địa bàn xã Văn Giáp, huyện Thường Tín nơi vừa xảy ra vụ tan nạn đường sắt nghiêm trọng sáng ngày 24/10.

Nhân viên gác ghi tại một điểm giao cắt trên địa bàn huyện Thanh Trì khi có tàu hỏa chạy qua. Tuy nhiên, vấn có xe máy lao tới để băng qua đường.

Việc cố tình băng, cắt ngang qua đường khi tàu hỏa đang lao vút đến cũng như khi nhân viên gác ghi đã cảnh báo và kéo gác chắn là hành động vi phạm luật giao thông gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thot-tim-canh-sinh-hoat-bang-qua-duong-tau-tai-ha-noi-258322.html