Thông tư số 03/2017/TT-BXD: Quản lý chặt chẽ nguồn vốn trong bảo trì công trình xây dựng

Nhằm nâng cao tuổi thọ và tránh sự xuống cấp của các hạng mục trong công trình xây dựng thì khâu bảo trì công trình là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 03/2017/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng. Theo đó, từ ngày 1/5/2017 thông tư này có hiệu lực và thay thế Thông tư số 11 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí bảo trì công trình xây dựng.

Chủ sở hữu cần lập kế hoạch bảo trì công trình từng năm (ảnh internet)

Cần xây dựng dự toán bảo trì công trình hợp lý

Hiện nay, một số công trình xây dựng khi mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện sự xuống cấp nghiêm trọng như nún, nứt tường... Chính vì vậy khâu bảo trì công trình xây dựng cần được coi trọng, để cho người dân yên tâm hơn khi sử dụng công trình.

Theo nội dung của Thông tư số 03/2017/TT-BXD, nguyên tắc xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng được xác định bằng dự toán bảo trì công trình xây dựng. Dự toán bảo trì công trình xây dựng là toàn bộ chi phí cần thiết được xác định theo yêu cầu các công việc cần phải thực hiện phù hợp với quy trình bảo trì công trình xây dựng được duyệt. Dự toán bảo trì có thể gồm một, một số hoặc toàn bộ các nội dung chi phí trong thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo yêu cầu của quy trình bảo trì công trình xây dựng được duyệt. Dự toán bảo trì được xác định phù hợp với quy trình bảo trì công trình xây dựng được duyệt hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì (gọi tắt là quy trình bảo trì công trình được duyệt). Căn cứ kế hoạch bảo trì công trình xây dựng trên cơ sở quy trình bảo trì công trình được duyệt và hiện trạng công trình thì dự toán bảo trì được lập định kỳ hàng năm hoặc định kỳ theo giai đoạn (đối với công tác sửa chữa) cho từng nội dung công việc được thực hiện. Trường hợp cần thiết phải thực hiện các công việc đột xuất chưa có trong kế hoạch bảo trì thì chi phí thực hiện các công việc này được bổ sung vào kế hoạch bảo trì. Chi phí bảo trì được xác định đúng phương pháp, đủ các khoản mục chi phí theo quy định, hiện trạng công trình và mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định chi phí.

Phương pháp xác định chi phí bảo trì công trình là định mức chi phí theo tỷ lệ phần trăm (%) hoặc khối lượng và đơn giá, trong đó gồm khối lượng công việc thực hiện theo kế hoạch bảo trì và đơn giá bảo trì. Khối lượng, số lượng chuyên gia được xác định theo yêu cầu cụ thể của từng loại công việc, nội dung, tiến độ thực hiện công việc, trình độ chuyên môn của từng chuyên gia, đơn giá tiền lương phù hợp với từng chuyên gia và các chi phí cần thiết khác có liên quan.

Chủ sở hữu cần lập kế hoạch bảo trì công trình

Để quản lý chi phí bảo trì công trình xây dựng được hiệu quả, chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự toán bảo trì công trình hoặc thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định để lập, thẩm tra dự toán bảo trì công trình xây dựng làm cơ sở phê duyệt dự toán bảo trì công trình xây dựng. Trường hợp dự toán sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình có chi phí từ 5 trăm triệu đồng trở lên thì thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 39 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.

Chi phí lập và thẩm tra quy trình bảo trì công trình xây dựng được tính bổ sung vào chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình trong tổng mức đầu tư của dự án hoặc dự toán chi phí bảo trì công trình trong trường hợp công trình xây dựng của dự án đang thực hiện đầu tư xây dựng nhưng chưa triển khai việc lập quy trình bảo trì công trình hoặc công trình xây dựng đã đưa vào khai thác sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì xây dựng.

Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình chịu trách nhiệm quản lý, thanh toán, quyết toán chi phí bảo trì công trình xây dựng. Trường hợp cần phải điều chỉnh quy trình bảo trì công trình xây dựng thì căn cứ vào các nội dung công việc cụ thể cần phải điều chỉnh để xác định dự toán chi phí bảo trì điều chỉnh và được tính trong dự toán chi phí bảo trì công trình.

Sau khi công trình xây dựng đưa vào khai thác, sử dụng thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm lập kế hoạch bảo trì theo quy trình bảo trì công trình xây dựng được duyệt và chi phí bảo trì công trình từng năm, kể cả chi phí sửa chữa định kỳ đối với công trình đến kỳ sửa chữa theo kế hoạch bảo trì.

Theo các chuyên giá đánh giá, Thông tư 03/2017/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng đã đảm bảo tính định hướng vào kiểm soát chi phí cho công tác bảo trì tại các công trình xây dựng. Từ đó, các chủ thể tham gia quá trình bảo trì có thể quản lý chặt chẽ nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo trì ở tất cả các giai đoạn, từ khâu lập dự toán, thực hiện bảo trì và khai thác, sử dụng các giai đoạn tiếp theo của công trình.

Hồng Quang

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/thong-tu-so-032017tt-bxd-quan-ly-chat-che-nguon-von-trong-bao-tri-cong-trinh-xay-dung.html