Thông tư 33, 34 của Bộ NNPTNT: Hợp pháp nhưng không hợp lý

(Dân Việt) - Về 2 Thông tư quy định việc kinh doanh thịt tươi sống và trứng gia cầm này, TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, khẳng định: Đây là 2 văn bản hợp pháp nhưng không hợp lý.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN ngày 23.8, TS Lê Hồng Sơn nói:

- Theo tôi, đây là 2 văn bản hợp pháp, nhưng về tính hợp lý thì có vấn đề. Cũng rất may là Bộ NNPTNT đã biết lắng nghe góp ý, phản ánh của dư luận và tự kiểm tra, sửa chữa để đảm bảo tính hợp lý của văn bản.

Quy định về điều kiện kinh doanh trứng gia cầm mà Bộ NNPTNT ban hành đang nhận được nhiều ý kiến phản ứng.

Theo một Thứ trưởng Bộ NNPTNT thì trong quá trình soạn thảo 2 thông tư này, Bộ có lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan nhưng hầu hết đều chỉ tham gia cho có, chính đây là một nguyên nhân khiến cho 2 thông tư xa rời thực tế, “chết yểu”?

- Trách nhiệm chính ở đây thuộc về người chắp bút soạn thảo văn bản. Khác với luật hay nghị định, khi soạn thảo thông tư, trách nhiệm chính vẫn thuộc bộ chủ quản. Các bộ, ngành liên quan không có trách nhiệm xem xét mà chỉ tham gia góp ý thôi. Vì thế, người ta tham gia cũng ở mức độ vừa phải, nhiều khi chỉ nói “dăm câu ba điều” cho phải phép.

Cái chính vẫn là ở người chắp bút, nằm ở tư duy, trình độ nhận thức của người đó như thế nào. Ví như nếu muốn có một thông tư chất lượng, cơ quan soạn thảo chỉ cần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia một cách khoa học và nghiêm túc, vấn đề sẽ bật ra ngay thôi. Chứ cứ để ra đời những sản phẩm lỗi thế này rồi sửa đi sửa lại, trước hết ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan soạn thảo, sau ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước với nhân dân.

Được biết, chiều 22.8, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp xem xét việc Đà Nẵng hạn chế nhập cư mới vào một số quận nội thành. Ông có thể cho biết kết quả cụ thể ra sao?

- Cuộc họp có sự tham gia của đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại diện Thường trực HĐND TP. Đà Nẵng, Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội, Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội...

Tất cả ý kiến của các bên tham gia đều khẳng định Đà Nẵng phải thực hiện nghiêm túc Luật Cư trú, nghĩa là phải dỡ bỏ lệnh cấm nhập cư đối với một số đối tượng quy định trong Nghị quyết 23 do HĐND TP.Đà Nẵng ban hành năm 2011.

Đà Nẵng có 1 tuần đến 10 ngày để tự xử lý. Cụ thể là, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng phải chỉ đạo các đơn vị chức năng cấp dưới, nhất là công an, dỡ bỏ ngay lệnh cấm nhập cư, thực hiện nghiêm Luật Cư trú. Ai có nhu cầu nhập cư vào Đà Nẵng thì phải cho người ta nhập cư. Nếu Đà Nẵng không thực hiện, Bộ sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng để có chỉ đạo xử lý. Tiếp đó, trong kỳ họp tới đây, HĐND TP.Đà Nẵng cũng phải hủy phần nội dung vi phạm Luật Cư trú trong Nghị quyết 23.

Xin cảm ơn ông!

Hải Phong

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/101501p1c24/thong-tu-33-34-cua-bo-nnptnt-hop-phap-nhung-khong-hop-ly.htm