Thông tư 30: Bộ Giáo dục vội vàng quá

Từ lúc ban hành cho đến lúc áp dụng triển khai thời gian quá ngắn, quá vội vàng, nên giáo viên chưa làm quen kịp khiến hiệu quả ngược.

Vội vã nên hiệu quả ngược

Trước kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam tại 5 tỉnh thành phố gồm: Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ, Hòa Bình, Đà Nẵng cho thấy, 95,2% giáo viên được hỏi đều khẳng định họ vô cùng vất vả khi thực hiện thông tư 30, trung bình một giáo viên phải dành gần 94 phút/ ngày chỉ để ghi nhận xét vào sổ. Chưa kể, nhiều giáo viên còn gặp khó khăn trong việc thay đổi nội dung lời nhận xét, tạo ra nhiều áp lực. Về phía học sinh do không có điểm thường xuyên nên chủ quan, học hành lơ là, kết quả học tập đi xuống.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, TS Ngô Gia Võ - Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên khẳng định ông không bất ngờ trước việc một chủ trương đúng khi đưa vào thực hiện lại mang hiệu quả ngược như vậy.

Theo đó, TS Ngô Gia Võ nhấn mạnh: "Quy định đánh giá học sinh tiểu học được ban hành thể hiện tư tưởng đổi mới toàn diện căn bản giáo dục, đáp ứng đúng tình hình thực tế của giáo dục Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, từ lúc ban hành cho đến lúc có hiệu lực thời gian quá ngắn, nghĩa là việc áp dụng triển khai là quá vội vàng, nên giáo viên chưa làm quen kịp.

Trong khi, Thông tư 30, yêu cầu giáo viên phải quan tâm thực sự tới từng học sinh (cá thể hóa trong dạy học), vì sự tiến bộ của mỗi học sinh, đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh các học sinh với nhau.

TS Ngô Gia Võ - Trưởng khoa Giáo dục tiểu học - Trường đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên

Mặt khác, khi đánh giá học sinh tiểu học, Thông tư 30 yêu cầu phải nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Với yêu cầu mới như trên, nên giáo viên vất vả hơn là điều bình thường, nên tôi cũng không bất ngờ trước con số giáo viên kêu khó khăn trên".

Bên cạnh đó, theo ông Võ, tất cả các giáo viên tiểu học trên khắp cả nước đang dạy học được đào tạo theo chương trình cũ, chương trình đánh giá bằng kiến thức, bây giờ thay bằng đánh giá năng lực. Từ đánh giá bằng kiến thức sang đánh giá bằng năng lực rất khác nhau, cần có thời gian cho sự thay đổi học hành, chuẩn bị.

Nhưng khi chưa được chuẩn bị kĩ, cũng chưa có thời gian tập huấn, chưa có thời gian in ấn tài liệu, hướng dẫn cụ thể cho các Sở, các phòng giáo dục, các giáo viên tiểu học như thế nào, thì đã triển khai ngay. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng chênh lệch về mặt con người, về trình độ, về kết quả đánh giá ở nước ta.

Thậm chí, đối với giáo viên bộ môn, đặc biệt những bộ môn đặc thù như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… thì quả là một gánh nặng khủng khiếp. Nhiều giáo viên không thể đảm đương nổi.

Đặc biệt, theo ông Võ, Thông tư cũng tạo cho học sinh không có thói quen cạnh tranh, phát triển, vì chỉ có hai khung đánh giá là đạt và không đạt. Nếu áp dụng một số mô hình các nước tiên tiến là hợp lý, nhưng môi trường học tập, điều kiện giảng dạy phải hoàn toàn khác.

Việc thay đổi hoàn toàn cách đánh giá đã khiến cho học sinh có giảm áp lực về việc học nhưng lại mất dần động cơ phấn đấu, đua tranh với nhau.

Mối quan hệ nhà trường - phụ huynh - học sinh bị phá vỡ

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo ông Võ, nếu giáo viên ghi nhận xét cụ thể, chi tiết thì gia đình có thể kiểm soát được tình trạng học tập của con em mình và có cách phối hợp giáo dục hiệu quả với nhà trường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không có thì giờ và điều kiện để quan tâm thường xuyên, hàng ngày tới con cái.

Do đó, việc nắm bắt chính xác thực trạng học tập của con em mình qua nhận xét là điều rất khó. Đặc biệt, những vùng nông thôn nghèo, vùng núi xa xôi, vùng kinh tế khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, thì gần như việc nhận xét bằng lời của giáo viên chẳng có tác dụng gì.

Cái khó hơn nữa, đó chính là bản thân các em học sinh cũng không nhận thức được ý nghĩa của những lời nhận xét.

Ông Võ khẳng định: "Chúng ta không thể đưa ra khẳng định giáo viên áp dụng máy móc Thông tư 30 được, đó là do người quản lý, không hướng dẫn giáo viên làm việc sáng tạo, linh hoạt.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/thong-tu-30-bo-giao-duc-voi-vang-qua-3309409/