Thông tư 22: Giáo viên mệt mỏi vì 'gợi ý ngầm' từ cấp trên

Khi TT 22 ra đời, nhiều giáo viên đã 'thở phào nhẹ nhõm' nghĩ rằng áp lực sổ sách sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi được tập huấn và hướng dẫn thực hiện thì nhiều giáo viên đã 'vỡ mộng'.

Thông tư (TT) 30 của Bộ GD&ĐT ban hành về cách đánh giá học sinh ở tiểu học thay vì chấm điểm bằng nhận xét là sự đổi mới đáng ghi nhận.

Tuy nhiên trong quá trình áp dụng vào thực tiễn, thông tư 30 đã khiến “giáo viên dở khóc dở cười” vì lượng sổ sách phải nhận xét quá lớn.

Vì thế, mới đây, Thông tư 22 được ban hành giúp bổ sung 13 điều (trong tổng số 20 điều của Thông tư 30) về đánh giá học sinh Tiểu học, có hiệu lực từ 6/11 thay thế TT 30 với hi vọng giảm áp lực cho giáo viên.

Khi TT 22 ra đời, nhiều giáo viên đã “thở phào nhẹ nhõm” nghĩ rằng áp lực sổ sách sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi được tập huấn và hướng dẫn thực hiện thì nhiều giáo viên đã “vỡ mộng”.

Chia sẻ với PV báo Infonet về vấn đề này, một giáo viên tiểu học tại Yên Bái cho hay: “Bản chất của Thông tư 22 là rất tiến bộ, nó kế thừa những ưu điểm của thông tư 30 với mục tiêu là giảm bớt áp lực cho giáo viên. Tuy nhiên, thực tiễn chỉ giảm bớt được một phần rất nhỏ.

Tính trung bình một lớp tiểu học có khoảng 30 học sinh với khoảng 9 môn học, đó là chưa kể những môn tự chọn như Tin học… Tổng tất cả là thành hơn 10 môn. Trong khi, “cấp trên” vẫn yêu cầu dùng 1 trang giấy A4 (có 9 tiêu chí và đánh giá xếp loại 1; 2;3) để đánh giá 1 học sinh với 1 môn học trong 4 định kỳ/năm.

Vậy thử hỏi những lớp đông học sinh có từ 40-50 học sinh thì mỗi lần giáo viên phải mất tới hàng trăm bản khác nhau để nhận xét. Điều đáng nói, về mặt bản chất văn bản TT 22 tốt, đáp ứng nhu cầu giáo viên nhưng khi đi vào thực tiễn giáo viên chúng tôi rất mệt mỏi.

Bởi lẽ, trong TT 22 không nói mỗi học sinh với mỗi môn học giáo viên phải làm thang đánh giá gồm 9 tiêu chí để đánh giá mà cái này là do “gợi ý ngầm” từ cấp phòng, Sở GD&ĐT.

Ví như đánh giá về mặt kỹ năng môn học cho 1 học sinh thì có 9 tiêu chí (1 tờ A4) cộng thêm đánh giá về năng lực, phẩm chất nữa thì mỗi giáo viên phải đánh giá 10 – 11 tờ giấy/ học sinh. Chưa kể các khối 3, 4, 5 học sinh phải tự đánh giá sau đó giáo viên tổng hợp thành đánh giá của mình.

Vậy với 1 lớp 50 học sinh thì 1 năm giáo viên phải đánh giá 2.000 bản (4 lần đánh giá/năm). Liệu rằng như vậy giáo viên có đủ sức để đánh giá hay không? Còn thời gian lên lớp, thời gian soạn bài… thì lấy ở đâu ra?”.

Bên cạnh đó, một giáo viên dạy tiểu học tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng cho hay: “Nhiều đồng nghiệp của mình nói rằng TT 22 ra đời còn khiến giáo mệt hơn so với khi thực hiện TT30

Vì bản thân TT 22 nói rõ giáo viên chỉ cần nhận xét trực tiếp học sinh để chỉ ra cái đúng sai, chỉ viết lời nhận xét vào vở khi cần thiết. Thế nhưng trường mình, đồng chí hiệu trưởng vẫn bắt giáo viên ghi nhận xét vào vở học sinh.

Tiếp đến là bắt giáo viên phải tự làm sổ theo dõi học sinh và nhận xét những trường hợp nổi bật. TT 22 chỉ giúp giáo viên bớt được mỗi việc viết vào học bạ chỉ viết 1 lần vào cuối năm.

Ngoài ra, ngay cả cách ghi học bạ hay đánh giá học sinh bằng các phiếu với nhiều tiêu chí cho mỗi môn học thì còn lơ mơ, lằng nhằng và khó hiểu.

Đó là chưa kể khi đánh giá năng lực phẩm chất ở TT22 đã gộp làm 1 nhưng khi giáo viên viết học bạ thì lại tách làm 2 cột riêng biệt để giáo viên nhận xét gây nên việc không có sự đồng nhất và rất khó khăn cho giáo viên”.

Mục đánh giá về năng lực theo thông tư 22

Mục đánh giá về năng lực theo thông tư 22

Trăn trở về vấn đề này, một thầy giáo dạy tiểu học tại quận Bình Thạnh cho hay: “Về cách tính điểm của môn Tiếng Việt: Trước đây TT 32 quy định rất rõ về cách tính điểm của các môn học. Ví dụ về môn Tiếng Việt điểm trung bình môn TV = (điểm đọc + điểm viết) : 2 sẽ thành kết quả làm tròn nhưng trong TT30 và TT22 không quy định về vấn đề này.

Đến thời điểm hiện nay, các trường tiểu học cũng đang chuẩn bị cho kì thi cuối kì 1 nhưng vẫn chưa có hướng dẫn về cách tính điểm cho từng môn học cụ thể nên giáo viên chúng tôi rất hoang mang.

Hơn nữa, với mức đánh giá đối với học sinh (chưa hoàn thành – hoàn thành – hoàn thành tốt): Tâm lý của giáo viên vẫn còn e dè trong việc đánh giá mức độ học tập của học sinh. Do đó, giáo viên “tự ngầm hiểu” sẽ đánh giá dựa trên điểm số bài kiểm tra của học sinh:

Nếu dưới điểm 5: Chưa hoàn thành. Từ 5 đến 8 điểm: hoàn thành và từ 9 đến 10: Hoàn thành tốt. Điều này đi ngược lại hoàn toàn với điều 3 về mục đích đánh giá của TT22.

Đó là chưa kể điều 16: Khen thưởng mục 1 phần a: Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: Ngoài các yêu cầu về năng lực, phẩm chất thì bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên. Như vậy, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh vẫn phải chịu áp lực về điểm số.

Hướng dẫn ghi học bạ cho học sinh theo thông tư 22

Ngoài ra, xét về tính thẩm mỹ, tính pháp lý trong học bạ: Để phù hợp với việc thay đổi các nội dung theo TT22 thì giáo viên phải thực hiện một loạt các động tác: Gạch xóa – viết thêm vào học bạ của học sinh.

Cụ thể: Trang 2, 3: giáo viên phải dùng thước, bút đỏ gạch chéo (gạch bỏ) và trang 4 giáo viên cũng phải dùng thước kẻ thêm một cột và ghi “Mức đạt được”. Bên cạnh đó, trang 5: Giáo viên phải gạch xóa chữ “đoàn kết” – dòng thứ 3 mục phẩm chất ;

Đó là chưa kể gạch bỏ toàn bộ dòng chữ “Yêu gia đình, bạn bè và những người khác” ghi vào dòng chữ “Đoàn kết, yêu thương”. Điều này cho thấy các trang trong học bạ đã không còn giá trị cũng như tính thẩm mỹ.

Như vậy GV sẽ mất rất nhiều thời gian cho việc ghi học bạ. Trong khi đó, cuối năm, giáo viên phải làm báo cáo tổng kết, họp phụ huynh…

Nên chăng Bộ cần có văn bản hướng dẫn in vi tính và đóng dấu xác nhận của ban giám hiệu, chữ ký của giáo viên để khi nhận lại học bạ, các em cũng cảm thấy tự hào về kết quả học tập, tính thẩm mỹ chứ không phải nhìn thấy quyển học bạ trông giống một tờ giấy nháp do giáo viên gạch xóa, viết thêm vào.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thong-tu-22-giao-vien-met-moi-vi-goi-y-ngam-tu-cap-tren-post215457.info