Thông tin mới nhất vụ 79 người nhập viện sau khi ăn cỗ cưới

Gần một nửa số bệnh nhân mắc ngộ độc thực phẩm đã được xuất viện về nhà.

Thông tin mới nhất đăng trên VOV, sau một ngày điều trị thì cơ bản các bệnh nhân đã bình phục, có một số bệnh nhân đã được xuất viện về nhà sau sự cố 79 người dân Yên Bái phải nhập viện sau khi đi ăn đám cưới.

Ông Lê Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, đến chiều nay (19/11), gần 1 nửa số nạn nhân mắc ngộ độc thực phẩm đã xuất viện về nhà; số còn lại tiếp tục được điều trị tại bệnh viện trong tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Ngoài ra, ông Đức cũng cho biết, sau khi sự việc xảy ra Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân của huyện đã họp khẩn cấp sáng 19/11, để tiếp tục có các biện pháp chỉ đạo cụ thể, để làm sao nhanh chóng khắc phục vụ ngộ độc thực phẩm này đồng thời chăm sóc tốt nhất cho các bệnh nhân. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, ngành y tế căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của các bệnh nhân đề xuất những biện pháp hỗ trợ tiếp theo.

Các nạn nhân được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên.Ảnh Vietnamplus.

Huyện đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi nạn nhân nghèo 500 nghìn đồng; Quỹ bảo trợ trẻ em huyện cũng hỗ trợ 500 nghìn đồng/1 cháu nhỏ bị ngộ độc.

Trước đó, Vietnamplus thông tin, tối 18/11, một vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại thôn 2, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái), khiến 79 người nhập viện, trong đó có hơn 30 trẻ em.

Trước đó, tất cả các nạn nhân nói trên đều cùng ăn cỗ cưới tại gia đình ông Nguyễn Kim Thu, người cùng thôn. Sau khi ăn khoảng 2-3 tiếng, nhiều người có tình trạng đau đầu, đau bụng, buồn nôn... và được người nhà đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Văn Yên và Trạm y tế xã Yên Hợp.

Ngay sau khi có thông tin về vụ ngộ độc xảy ra, UBND huyệnVăn Yên thành lập 2 tổ công tác; Sở Y tế Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị y tế thành lập các tổ công tác phối hợp với Trung tâm y tế huyện Văn Yên, Trạm y tế xã Yên Hợp và chính quyền địa phương đến thực địa điều tra nguyên nhân và triển khai các biện pháp xử lý ngộ độc.

Đồng thời, khám sàng lọc bệnh nhân, phân loại để điều trị tại Trạm y tế hoặc chuyển Trung tâm y tế theo tình trạng bệnh.

Qua điều tra ban đầu của cơ quan chức năng Yên Bái cho thấy những người bị ngộ độc thực phẩm nói trên đã cùng ăn cỗ đám cưới và một số người mang bánh dày về cho người thân không đi dự đám cưới ăn (trong số những người ăn bánh dày ở nhà cũng bị ngộ độc thực phẩm).

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM AN TOÀN ĐỐI VỚI SẢN PHẨM THỰC PHẨM
Điều 5. Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thực phẩm
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu để chế biến thực phẩm.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm;
b) Sử dụng sản phẩm có nguồn gốc động vật đang trong thời gian theo dõi cách ly kiểm dịch để sản xuất, chế biến thực phẩm.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, chế biến thực phẩm.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;
b) Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm;
c) Sử dụng nguyên liệu thực phẩm có chứa tạp chất được đưa vào và không bảo đảm an toàn thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.
5. Phạt tiền bằng 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 4 Điều này thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt không quá 100.000.000 đồng.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 06 tháng đến 09 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm từ 09 tháng đến 12 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc dừng sử dụng thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y để thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2, Khoản 3, Điểm a, b Khoản 4 Điều này;
c) Buộc xử lý loại bỏ tạp chất theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với nguyên liệu có chứa tạp chất nhưng không thuộc diện phải tiêu hủy đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này;
d) Buộc tiêu hủy nguyên liệu có chứa tạp chất gây nguy hại đến sức khỏe con người, tạp chất không rõ thành phần, thuộc diện phải tiêu hủy đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

TƯỜNG VY (Tổng hợp)

Xem thêm video:

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-the-gioi/thong-tin-moi-nhat-vu-79-nguoi-nhap-vien-sau-khi-an-co-cuoi-a170725.html