Thông tin mới nhất về vụ tai nạn máy bay của Malaysia (tiếp tục cập nhật)

SKĐS - Chuyến bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã mất tích mang theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn cất cánh lúc 0:41 phút sáng 8/3 và dự kiến sẽ hạ cánh tại Trung Quốc lúc 6:30 phút cùng ngày.

Vào lúc 13h30 ngày 9/3 tàu cứu nạn của Trung Quốc sẽ có mặt tại vùng biển nơi nghi ngờ máy bay Malaysia bị rơi, đây là thông báo của Hãng tin CCTV cho biết.

11h30 ngày 9/3: Cơ quan điều tra của Mỹ đang phối hợp điều tra nghi ngờ máy bay mất tích do khủng bố sau khi có thông tin 2 hành khách mang hộ chiếu đã bị mất cắp của Italia và Áo. Hiện cơ quan điều tra Mỹ cho biết, vẫn chưa có bằng chứng khẳng định đây là vụ khủng bố, nhưng cũng không loại trừ. Họ đang liên kết các thông tin tình báo có được để làm sáng tỏ liệu có hay không máy bay MH370 mất tích do khủng bố

11h ngày 9/3: 33 giờ sau vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay được coi là máy bay thương mại hiện đại và an toàn nhất hiện nay, các manh mối của chiếc Boeing 777 vẫn chưa được tìm thấy.

Bộ Ngoại giao Italia xác nhận, người đàn ông tên là Luigi Maraldi, quốc tịch Italia không có mặt trên chuyến bay, ông hiện đang đi nghỉ tại Thái Lan, ông cho biết đã mất hộ chiếu từ tháng 8 năm ngoái.

Bộ Ngoại giao Áo cũng cho biết người đàn ông 61 tuổi quốc tịch Áo có tên trong danh sách hành khách hiện đang ở Áo và vẫn khỏe mạnh, ông này bị mất hộ chiếu tại Thái Lan năm 2012.

Các chuyên gia đang nghi ngại về khả năng máy bay bị khủng bố bởi 2 manh mối này.

10h: Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, tính đến thời điểm này đã có 16 máy bay và 35 tàu biển của các nước phối hợp tham gia tìm kiếm máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Theo TNO, Việt Nam điều động thủy phi cơ từ Cam Ranh và máy bay tuần thám từ Hà Nội vào hỗ trợ.

9h 30 ngày 9/3: Trung Quốc điều thợ lặn đến khu vực bị nghi máy bay rơi để tìm kiếm. Sáng 9/3 đại diện Malaysia Airline cũng đã có mặt tại Bắc Kinh, Trung Quốc để xử lý các vấn đề về thân nhân hành khách.

Cơ trưởng chuyến bay Zaharie Ahmad Shah có 33 năm kinh nghiệm và 18.365 giờ bay.

Giám đốc thương mại Malaysia Airlines ông Hugh Dunleavy chia sẻ với gia đình các hành khách.

Trung Quốc đã huy động 2 máy bay trực thăng, 30 nhân viên y tế, 10 thợ lặn và 52 binh sĩ lên tàu đến vùng biển nghi ngờ máy bay rơi.

Đại diện Malaysia Airlines họp báo tại Bắc Kinh, Trung Quốc sáng 9/3.

7 giờ sáng 9/3: Đội tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam tiếp tục tìm kiếm trên khu vực cuối cùng có tín hiệu của máy bay Malaysia. trong khi đó lực lượng của Malaysia và Singapore đang mở rộng phạm vi tìm kiếm.

Đại diện Malaysia Airlines gặp mặt thân nhân những hành khách trên chuyến bay tại khách sạn sáng 9/3.

Hơn 6 giờ sáng ngày 9/3: Sau gần 30 giờ mất tích, chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines vẫn chưa được lực lượng cứu hộ tìm thấy. Công tác tìm kiếm vẫn được thực hiện suốt đêm qua và sẽ tiếp tục vào sáng nay.

Đến hơn 21 giờ ngày 8/3, thông tin từ các đơn vị tìm kiếm cứu nạn, chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về chiếc máy bay gặp nạn.

17h 20 phút ngày 8/3: Các đội tìm kiếm của Malaysia, Việt Nam và Singapore vẫn chưa tìm thấy bất kỳ một dấu vết nào của chiếc máy bay mất tích. Hiện tại các cuộc tìm kiếm trên không đã bị hoãn lại cho đến sáng mai, tuy nhiên việc tìm kiếm trên biển sẽ vẫn diễn ra suốt đêm nay.

Malaysia Airlines đã ra 5 thông cáo báo chí về vụ máy bay MH370 của hãng mất tích trên biển. Gia đình của tất cả các hành khách đã được báo tin.

Chiều 8/3: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã có cuộc điện đàm qua điện thoại về hợp tác tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích trên biển.

Phóng viên chờ đợi thông tin tại nơi nghỉ của thân nhân hành khách.

Malaysia Airlines vẫn chưa xác nhận thông tin chiếc máy bay này bị rơi, họ cho biết vẫn đang chờ thông tin của chiếc máy bay xấu số này. Họ thông báo điều chỉnh thông tin về số lượng hành khách Indonesia trong thực tế là 7 người thay vì trước đó là 12 người, 5 người có quốc tịch Ấn Độ, 154 người là công dân Trung Quốc (trong đó có 1 người từ Đài Loan). Hãng hàng không Malaysia đã liên lạc được với 80% thân nhân của những nạn nhân trên máy bay.

Lực lượng quân đội Singapore cũng cử máy bay quân sự tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích.

Lãnh đạo của hãng hàng không Malaysia Airlines trong buổi họp báo tại Kualar Lumpur.

Trong cuộc họp báo kéo dài 5 phút chiều ngày 8/3, Giám đốc điều hành Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahya cho biết, vẫn chưa có thêm thông tin gì về chiếc máy bay MH 370 của Malaysia Airlines gặp nạn. Tất cả các chuyến bay khác của hãng vẫn hoạt động bình thường.

Thân nhân những hành khách trên chuyến bay gặp nạn đang chờ thông tin tại khách sạn.

Cơ phó Fariq Ab (bên trái) của chuyến bay.

Chuyến bay gặp nạn trên bảng điện tử đánh dấu đỏ delayed thể hiện chuyến bay bị chậm.

An ninh được thắt chặt tại sân bay Trung Quốc sau thông tin vụ tai nạn.

Theo thông báo từ phía Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Xie Hangsheng đã đề nghị có một cuộc họp khẩn cấp với đại diện của Việt Nam và Malaysia sau vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích cùng với 227 hành khách (trong đó có 2 trẻ sơ sinh) và 12 thành viên phi hành đoàn.

Những người thân của hơn 200 hành khách trên chuyến bay tập trung tại khách sạn Lido của thủ đô Bắc Kinh Trung Quốc, họ chờ đợi trong tuyệt vọng nhưng không tiếp cận được bất cứ thông tin nào. Họ cho biết muốn gặp đại diện của hãng hàng không và cung cấp cho họ danh sách của các nạn nhân, một vài gia đình yêu cầu được bay sang Kuala Lumpur. Tuy nhiên những yêu cầu này hiện vẫn chưa được đáp ứng.

Phóng viên túc trực tại khách sạn Lido ở Bắc Kinh để cập nhật thông tin về vụ tai nạn máy bay.

Cũng trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết, có khả năng sẽ phải mở rộng phạm vi tìm kiếm.

(tiếp tục cập nhật...)

Hải Yến

(Theo China.org, Tân hoa xã)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/quoc-te/thong-tin-moi-nhat-ve-vu-tai-nan-may-bay-cua-malaysia-tiep-tuc-cap-nhat-20140308164853921.htm