Thông tin mới nhất về vụ nuốt đất ở Vĩnh Phúc: Giả mạo chữ ký - chuyện thường ngày ở tỉnh (!?)

NNVN đã có loạt bài điều tra về vụ "nuốt đất" ở Vĩnh Phúc. Đến nay, CQCSĐT công an Vĩnh Phúc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 cán bộ công chức.

>> Vụ “nuốt đất” ở Vĩnh Phúc: Mới “phát lộ” phần nổi của tảng băng chìm Đó là các ông, bà Lại Hữu Lân, nguyên Bí thư Thành ủy TP Vĩnh Yên đã nghỉ hưu, Nguyễn Xuân Liễn, nguyên chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hiện đương kim Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, Nguyễn Xuân Trường Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, chủ dự án trang trại phường Đồng Tâm, Nguyễn Thị Kim Liên, nguyên Trưởng phòng TN-MT và ông Vũ Văn Chức, chuyên viên phòng TNMT để điều tra về dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 281BLHS. Riêng ông Nguyễn Xuân Liễn còn bị khởi tố để điều tra về hành vi giả mạo trong công tác theo điều 284BLHS. Ông Nguyễn Xuân Liễn là người đang bị điều tra về hành vi làm giả chữ ký của ông Nguyễn Văn Hòa, PCT UBND tỉnh trong quyết định thu hồi 25,5ha đất nông nghiệp giao cho UBND phường Đồng Tâm lập dự án trang trại đã thừa nhận với CQĐT là khi nhận được hồ sơ đã phát hiện ra sự “lởm khởm” (vì mới chỉ có đề cương dự án, chưa có ý kiến thẩm định của Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở NN-PTNT, BQL các dự án; chưa có đồng ý của thường trực Tỉnh ủy) đã xin ý kiến chỉ đạo của Chánh văn phòng UBND tỉnh lúc đó là Nguyễn Ngọc Quyền (hiện đang là UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên và được ông Quyền chỉ đạo là “vận dụng” làm quyết định giao đất cho UBND phường Đồng Tâm- một cơ quan quản lý nhà nước lập dự án và ông Liễn đã soạn thảo quyết định này. Việc ông Hòa khẳng định với CQĐT là mình không ký quyết định này đã lòi ra việc động trời là chữ ký của ông này bị làm giả nhờ công nghệ cắt, dán, photocoppy chữ ký từ một văn bản khác sau đó đóng dấu và ban hành ...vì chỉ làm như vậy mới có thể qua mặt lãnh đạo để đẻ ra được một quyết định trái pháp luật giao đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng...Khi CQĐT vào cuộc ông Liễn ngoài việc khai ra hành vi trên đã trưng ra một chứng cứ khác. Đó là quyết định 3101QĐ-UBND ngày 23/11/2009 do ông Liễn soạn thảo đã hoàn thành, đã có số quyết định, đã ký nháy vào góc trái cuối công văn nhưng chưa có chữ ký của ông Hòa- PCT (thường thì sau khi có chữ ký lãnh đạo văn thư vào sổ lưu, ghi số công văn trước khi đóng dấu) nhưng ở góc trái dưới cùng lại có bút tích của ông Nguyễn Ngọc Quyền: "Chuyển văn thư xử lý chữ ký ông Hòa- PCT (lưu bản đã ký vào)" và ký tên. Lời khai của ông Liễn có vẻ như không phù hợp với những bút tích mà ông Quyền để lại vì ở đây ông Quyền giao cho văn thư xử lý chữ ký của ông Hòa chứ không phải giao cho ông Liễn, còn nếu ông Liễn vẫn “quen tay xử lý” thực hiện hành vi này thì cần phải làm rõ. Việc trình ông Hòa ký chắc chắn không phải là văn thư. Nội dung chỉ đạo “xử lý chữ ký” được ông Liễn giải thích là cắt, dán, photo chữ ký hay nói dễ hiểu là làm giả “như thật” chữ ký lãnh đạo. Nhưng dù gì thì việc chỉ đạo thực hiện hành vi này cho thấy là “có tổ chức” trong giả mạo chữ ký của người có chức vụ quyền hạn. Như vậy việc giám định lại chữ viết, chữ ký của ông Quyền đã bút phê vào cuối văn bản này là rất cần thiết để biết là liệu đây có phải là chữ viết chữ ký của ông Quyền thật hay ông Liễn cũng lại photo từ các văn bản khác mà ông Quyền cũng đã từng bút phê ....để lợi dụng xử lý chữ ký lãnh đạo vào các văn bản, quyết định hành chính mà biết mười mươi là nếu trình ký công khai sẽ bị loại ra vì lãnh đạo sẽ nhận ra sự không phù hợp các quy định của pháp luật. Còn một điều CQĐT cần quan tâm làm rõ là điều 3 của Quyết định 3101 có nội dung: “Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở KH -ĐT, Tài chính, Xây dựng, TN-MT ....thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành”. Phần nơi nhận cũng đã ghi như điều 3 (điều khác của văn bản này là không gửi cho các Phó Chủ tịch, các Phó Chánh văn phòng như thường thấy) nhưng trong thực tế các đối tượng kể trên có nhận được quyết định này không? Nếu nhận được thì tại sao không phản hồi gì? Chỉ khi báo chí phát hiện và có chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh mới đi nắm tình hình và báo cáo đề xuất là vì sao? Từ câu chuyện vô hiệu hóa lãnh đạo UBND tỉnh để ban hành quyết định thu hồi 25,5ha đất nông nghiệp trái pháp luật tạo điều kiện cho các doanh nghiệp “nuốt đất” ở TP Vĩnh Yên cho thấy: Sẽ là rất không bình thường nếu việc giả mạo chữ ký bằng công nghệ kể trên để ban hành các quyết định trái pháp luật được làm một cách thường xuyên và vẫn được coi là “chuyện thường ngày” ở Vĩnh Phúc thì thực đáng báo động vì hành vi này có thể coi là một sự lũng đoạn quyền lực, một loại tham nhũng tinh vi mà lần đầu tiên được phát hiện tại Vĩnh Phúc. Nếu không làm rõ, xử lý nghiêm sẽ là một tiền lệ xấu trong quản lý nhà nước.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/48/48/48/63770/default.aspx