Thông tin minh bạch khi ngành y tế và báo chí hợp tác

Việc ngành y tế và báo chí không hợp tác đã đưa đến những cuộc khủng hoảng truyền thông y tế như từng có, và đương nhiên uy tín ngành y tế bị ảnh hưởng, còn người dân bị thiệt thòi vì không tiếp cận các thông tin chính xác, mà báo chí cũng không có nguồn tin đảm bảo để thuyết phục bạn đọc.

Đây là điều được các nhà báo chia sẻ tại hội thảo “Phát huy vai trò của thông tin và truyền thông trong chăm sóc sức khỏe nhân dân” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 7-12 tại Hà Nội.

Hội thảo do Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì, nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu và tăng cường sự phối hợp giữa những người làm công tác truyền thông với đội ngũ cán bộ y tế.

Bộ trường Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì hội thảo

Ý kiến của các nhà báo tại hội thảo đều chỉ ra, các vụ khủng hoảng truyền thông y tế là do ngành y tế không hợp tác với báo chí, hoặc chậm trễ thông tin, như dịch sởi năm 2014, vụ 3 trẻ tử vong tại Quảng Trị do Quinvaxem, vụ giá thuốc và gần đây là vụ nước mắm nhiễm asen.

Tuy nhiên, sau liên tiếp các cuộc khủng hoảng truyền thông, ngành y tế đã rút kinh nghiệm, chủ động từ việc phân công người phát ngôn đến việc bố trí đội ngũ truyền thông chủ động phối hợp với báo chí để cung cấp thông tin, cũng như lắng nghe ý kiến của người dân qua báo chí, kể cả mạng xã hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao vai trò của truyền thông trong y tế

Đặc biệt, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ Truyền thông –Thi đua khen thưởng đã chủ động phối hợp với báo chí để cung cấp thông tin, chỉ đạo xử lý nhanh các vụ việc mà dư luận quan tâm như: vụ bảo vệ chặn xe bệnh nhân ở Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương; vụ mổ nhầm chân ở BV Việt Đức; vụ tiêm vaccine dịch vụ “6 trong 1” ở Hà Nội; vụ phòng bệnh chất lượng kém ở BV Bạch Mai...

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ, ngành y là ngành nhạy cảm vì liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, lại luôn có những sự cố rình rập nên Bộ Y tế luôn đề cao vai trò của truyền thông. Vì thế, truyền thông đã giúp người dân nhận thức được cách phòng, chữa bệnh, giúp cộng đồng hiểu hơn về ngành.

Nhiều nhà báo đã chia sẻ quan điểm để tìm ra giải pháp hợp tác giữa y tế và truyền thông

Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn Bộ TT&TT sẽ thẩm định, xây dựng mô hình mẫu về vai trò của thông tin truyền thông với sự phát triển của ngành y, đặc biệt với sự nghiệp chăm sóc, sức khỏe con người.

Người dân được hưởng lợi khi ngành y tế và truyền thông có sự phối hợp

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề bảo vệ và chăm sóc sức khỏe vô cùng quan trọng. Y tế là lĩnh vực bao hàm nhiều vấn đề và nhạy cảm, phức tạp.

Thông tin về lĩnh vực y tế đòi hỏi nhà truyền thông, đội ngũ phóng viên, báo chí phải có sự am hiểu về lĩnh vực y tế có kĩ năng truyền thông phù hợp; phải có đạo đức và có khả năng đánh giá tác động thông tin, tránh gây hiểu lầm, tạo dư luận không tốt trong xã hội, thậm chí gây kích động với người dân.

Báo chí cũng cần khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, tuyên truyền y tế kịp thời nhưng phải chính xác, đặc biệt những vấn đề ảnh hưởng lớn, trên diện rộng liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

“Như dịch do virus Zika vừa rồi tuyên truyền quá mức làm người dân quá lo ngại. Độ nguy hiểm của Zika không trầm trọng như chúng ta đã tuyên truyền”- Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/nguoi-dan-duoc-thong-tin-minh-bach-khi-nganh-y-te-va-bao-chi-hop-tac-420174/