Thông qua Nghị quyết quyết toán ngân sách năm 2015

Chiều ngày 19/6, đại biểu Quốc hội đã tán thành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 (đạt 92,46%).

Theo đó, Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.291.342 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.502.189 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016. Bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 195.900 tỷ đồng; vay ngoài nước 67.235 tỷ đồng.

Ngoài ra, Quốc hội cũng giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị kịp thời khắc phục những hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 506/BC-UBTCNS14 ngày 19/5/2017 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015. Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước. Báo cáo cụ thể với Quốc hội khi trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 về danh sách, mức độ, xử lý sai phạm trong quản lý, điều hành NSNN 2 năm 2014-2015.

Nguồn vốn cho đầu tư ngày càng nhiều. (ảnh minh họa)

Nguồn vốn cho đầu tư ngày càng nhiều. (ảnh minh họa)

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong năm 2015 và những năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều dự án Luật, Nghị quyết có nội dung miễn, giảm thuế. Việc miễn, giảm thuế đã có những tác động nhất định, phần nào giúp các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn nhưng lại làm giảm tỷ lệ động viên vào NSNN.

Tuy nhiên, để bảo đảm nâng cao hiệu quả các chính sách miễn, giảm thuế, UBTVQH đề nghị Chính phủ sớm tổng kết, đánh giá các chính sách miễn, giảm thuế trong thời gian qua để đề ra giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Đồng thời cần tích cực nghiên cứu để sớm trình Quốc hội sửa đổi các Luật có liên quan đến chính sách thu NSNN cho phù hợp, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp về thu NSNN theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Trong năm 2015, công tác quản lý thu NSNN đã có nhiều tiến bộ hơn trước, công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường, nhưng UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặt ra lộ trình sớm đưa hóa đơn điện tử vào vận hành, nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định về hậu kiểm, tăng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi gian lận, trốn thuế, nợ đọng thuế tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý thu thuế.

Về bội chi ngân sách tăng ảnh hưởng nợ công, UBTVQH cho rằng, trong năm 2015, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi, song bội chi NSNN năm 2015 vẫn ở mức 6,28% GDP, nợ công đến 31/12/2015 là 61,8% GDP. Do vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tính toán GDP sát thực tế và trong điều hành cần bám sát dự toán, tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên giảm bội chi NSNN, bảo đảm bội chi NSNN trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định (cả số tuyệt đối và tỷ lệ % GDP), để không vượt trần nợ công, nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia./.

Đ. Minh - H.Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thong-qua-nghi-quyet-quyet-toan-ngan-sach-nam-2015-55090.html